Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023. Thực trạng và bài học kinh nghiệm tại tỉnh Bình Dương
Theo báo cáo của Bộ giáo dục và Đào tạo, từ năm 2013 đến năm 2023 hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể với sự tham gia của hơn 300 tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; các gia đình ở nhiều địa phương đã hiến 500 ha đất để xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, nhà công vụ cho giáo viên; có khoảng 36 nghìn phòng học, 1.300 phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí ước khoảng 33 nghìn tỷ đồng. Đạt được thành tựu trên là do việc ưu tiên đầu tư nguồn lực cho ngành giáo dục, trong đó công tác xã hội hóa đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Hình 1: Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị
(ảnh chụp từ màn hình trực tuyến)
Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, Cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Bình Dương đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 03/8/2024, xây dựng và chuẩn bị thông qua Đề án củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở cho thực hiện đầu tư và phát triển mạng lưới giáo dục, đào tạo.
Hình 2: Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy
mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân cho phát triển giáo dục và đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. Tại tỉnh Bình Dương, năm 2013 có khoảng 8.545 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 6.653 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 77,86%. Đến năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 11.812 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 11.002 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 93,14%.
Giai đoạn 2013-2023, số trường được đầu tư từ nguồn xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 371 trường với 3.980 phòng học; Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học tăng thêm từ nguồn huy động xã hội hóa là 24%. Bên cạnh đó, số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa là 18 phòng; Tỷ lệ kiên cố hóa nhà công vụ cho giáo viên tăng từ nguồn huy động xã hội hóa là 2%. Tổng số dự án huy động xã hội hóa được cấp phép hoạt động giai đoạn 2013-2023 là 353 dự án với tổng kinh phí đầu tư của các dự án: 2.423 tỷ đồng. Diện tích đất đã sử dụng để đầu tư các cở sở giáo dục từ nguồn xã hội hóa: 567.699 m2. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã huy động được 200 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa cho giáo dục với 2.523 phòng học, 38 nhà công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí 681 tỷ đồng.
Quá trình kiên cố hóa đã đạt được những kết quả rõ rệt, trong đó việc mời gọi xã hội hóa là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển bền vững hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của ngành giáo dục ngày càng tăng cao, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa trong những năm tiếp theo là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cơ sở vật chất ngành giáo dục tiếp tục được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thiết nghĩ cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ kết nối, mời gọi nguồn lực xã hội hóa đến chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và sử dụng, quản lý nguồn vốn xã hội hóa bảo đảm minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Hai là, thực hiện tốt công tác truyền thông, kịp thời ghi nhận và biểu dương, khen thưởng, lan tỏa những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, để tạo thành phong trào thường xuyên, rộng khắp, tạo động lực trong việc mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa cho lĩnh vực giáo dục.
Ba là, quan tâm công tác quy hoạch, rà soát và sắp xếp mạng lưới trường học. Đây là nền tảng để xác định nơi cần đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất. Các địa phương cần thực hiện công tác quy hoạch một cách khoa học, rõ ràng, nhằm tránh tình trạng đầu tư không đồng đều, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Đồng thời, quy hoạch cần phải công khai rộng rãi để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình xã hội hóa.
Bốn là, minh bạch và công khai việc quản lý và sử dụng nguồn lực xã hội hóa để tăng hiệu quả đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cũng là yếu tố quyết định đến sự thành công của các dự án giáo dục.
Năm là, tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhà trường. Chính quyền địa phương cần làm việc chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, cung cấp cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích họ đầu tư vào giáo dục, cụ thể hóa và minh bạch các chính sách ưu đãi để tạo động lực cho các nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, đồng thời hỗ trợ các trường học trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực xã hội hóa. Doanh nghiệp có thể cung cấp không chỉ về tài chính mà còn về kinh nghiệm quản lý và phát triển cơ sở vật chất. Mỗi địa phương và cơ sở giáo dục cần thể hiện rõ tính chủ động trong việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Lãnh đạo các trường học cần kết nối với các nhà đầu tư, đồng thời phải có kế hoạch sử dụng nguồn lực một cách hợp lý và minh bạch, thể hiện vai trò là nơi trực tiếp quản lý và sử dụng nguồn lực để mang lại hiệu quả cao nhất trong việc cải thiện cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy.
Sáu là, khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả./.
Nhị Hà