Nâng cao năng suất lao động quốc gia và thực tiễn tại tỉnh Bình Dương
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và chú trọng thực hiện những giải pháp tăng năng suất lao động. Điều này được thể hiện rõ khi tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong các Nghị quyết Đại hội Đảng. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và trước sự lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị, là con đường ngắn nhất để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Hình 1: Cán bộ đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức, công nhân lao động tiêu biểu thuộc các ngành, địa phương, đơn vị tham gia Diễn đàn
“Nâng cao năng suất lao động Quốc gia” năm 2024
Bình Dương là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nhất cả nước, từ đó nhiều Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp được hình thành và thu hút một lượng lớn công nhân lao động từ khắp các tỉnh thành cả nước đến làm việc và sinh sống ổn định lâu dài. Tuy nhiên phần lớn công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp ở Bình Dương là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nên năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay toàn tỉnh Bình Dương có 29 Khu công nghiệp và 12 Cụm công nghiệp đang hoạt động, tạo ra 1,2 triệu việc làm thường xuyên cho lực lượng công nhân, lao động. Trong đó, lực lượng lao động đến từ các tỉnh thành khác chiếm khoảng 85%, đa số lao động ở Bình Dương hiện nay có tuổi đời bình quân trẻ, tỷ lệ lao động qua đào tạo dưới nhiều hình thức đạt trên 76% (trong đó 32% là lao động được đào tạo có văn bằng, chứng chỉ). So với bình quân cả nước, Bình Dương có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn nhưng so với một số nước trong khu vực và trên thế giới thì tỷ lệ này vẫn còn thấp. Chính vì thế, để nâng cao năng suất lao động, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, phù hợp với định hướng phát triển thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo. Bình Dương đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là tăng cường đào tạo nghề bổ sung cho lực lượng công nhân, lao động. Song song đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể cũng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh các khối trung học cơ sở, trung học phổ thông để thu hút lực lượng này tham gia học nghề, bổ sung vào lực lượng lao động đang thiếu hụt hàng năm nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, từ đó cải thiện và nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là trong số 1,2 triệu lao động đang làm việc ở Bình Dương thì chỉ có 32% là lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ, số còn lại phần lớn là lao động phổ thông từ các tỉnh thành khác đến Bình Dương làm việc chưa qua đào tạo.
Một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất lao động chính là nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, để họ làm việc đúng với chuyên môn của mình. Để làm được việc đó Bình Dương cũng đang thực hiện nhiều giải pháp như: Đào tạo lại, đào tạo bổ sung, hợp tác với doanh nghiệp đào tạo lao động theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm tăng năng suất lao động cũng chính là nhu cầu cần thiết của người lao động. Nhiều lao động do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phải đi làm để có thu nhập trang trải cho cuộc sống, song họ cũng muốn đi học để nâng cao trình độ, chuyển đổi công việc, có cơ hội tăng lương và thăng tiến trong công việc. Bên cạnh đó, đội ngũ lao động khối văn phòng, khối quản lý cũng có nhu cầu học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, … nhiều người đã đi làm có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học cũng có nhu cầu học cao hơn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu công việc. Xuất phát từ nhu cầu của người lao động, các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều chương trình, lớp học nhằm tăng cường đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn nâng cao cho lực lượng công nhân lao động, đội ngũ lao động khối văn phòng và quản lý, thiết kế các lớp học, ngành học và thời gian học phù hợp cho người lao động đang đi làm như học vào buổi tối, học vào những ngày nghỉ cuối tuần, học thông qua ứng dụng trên mạng, học trực tuyến … nhưng vẫn đảm bảo số giờ và tín chỉ theo quy định.
Kinh nghiệm của các nước có năng suất lao động cao cho thấy, ngoài những biện pháp cải tiến về công nghệ thì yếu tố con người rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. Để đạt được mục tiêu đó, cần chú trọng vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách có hệ thống, quản lý chặt chẽ, khoa học từ đào tạo dạy nghề đến đại học hoặc cao hơn, phù hợp cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất lao động.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, tỉnh Bình Dương cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
- Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Theo đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ … thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
- Hai là, tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động để phát triển nguồn nhân lực về số lượng, liên thông giữa các cấp trình độ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy cơ chế phối hợp, đặt hàng giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.
- Ba là đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; chú trọng định hướng, đào tạo các ngành nghề phát triển trong tương lai của kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề mới (tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin,…) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế.
- Bốn là nâng cao chất lượng hoạt động phân tích, dự báo nhu cầu, thông tin thị trường lao động về nguồn nhân lực, cung ứng việc làm và nhu cầu đào tạo; quan tâm phát triển cơ sở dữ liệu, kết nối thị trường lao động, xây dựng và cập nhật dữ liệu về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.
- Năm là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.
- Sáu là đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Xây dựng các chiến lược, chương trình, đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp; chú trọng phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; huy động nguồn lực đầu tư, ưu tiên phân bổ ngân sách theo quy định để đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường chất lượng cao theo quy hoạch và các ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt.
Để đất nước phát triển nhanh, bền vững, cần phải tập trung tối đa nguồn lực, ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao để thực sự là khâu đột phá mang lại lợi thế quan trọng nhất, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, và hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhị Hà