KẾT QUẢ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) NĂM 2023 CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG; NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2024 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
* Tổng quan về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh Bình Dương
Thông qua bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp hàng năm, điểm số PCI 2023 của tỉnh Bình Dương đạt 66 điểm (tăng gần 1 điểm so với năm 2022). Bình Dương có 6 chỉ số thành phần tăng điểm và 4 chỉ số thành phần giảm điểm. Nhưng nhìn chung thì còn các mặt hạn chế khi có tới 7/10 chỉ số thấp hơn trung vị cả nước (chiếm 40% trọng số).
Tổng quan vị trí của Bình Dương theo các chỉ số thành phần PCI
- 06 chỉ số thành phần tăng điểm:
Chỉ số thành phần về gia nhập thị trường đạt 6,65 điểm (trung vị là 7,32 điểm) – tăng 0,33 điểm sau khi điểm số giảm mạnh từ 8,05 điểm năm 2020 xuống còn 6,38 điểm năm 2021, và 6,32 điểm năm 2022. Tuy nhiên, với điểm số thấp hơn trung vị cả nước 0,67 điểm và chỉ cao hơn tỉnh đứng cuối 0,08 điểm thì dấu hiệu tăng trưởng không quá mạnh mẽ so với giai đoạn trước.
Chỉ số thành phần về tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh đạt 6,44 điểm (trung vị là 6,76 điểm) – tăng 0,12 điểm trở lại sau khi giảm liên tục từ 7,09 điểm năm 2020 xuống 6,74 điểm năm 2021 và còn 6,32 điểm năm 2022. Với điểm số này thì Bình Dương vẫn thấp hơn trung vị 0,32 điểm trong độ trải từ 5,53 đến 7,38 điểm.
Chỉ số thành phần về đào tạo lao động đạt 6,46 điểm (trung vị là 5,76) – tăng 0,53 điểm so với năm 2022. Bình Dương vẫn đang phát huy và cạnh tranh rất tốt khi liên tục 6 năm liền giữ điểm số cao trên trung vị cả nước. Năm 2023, Bình Dương cao hơn tỉnh trung vị 0,7 điểm và thấp hơn tỉnh đứng đầu 0,97 điểm trong khoảng điểm từ 4,62 đến 7,43.
Chỉ số thành phần về thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 7,13 điểm (trung vị là 7,52) – tăng 0,29 điểm và có xu hướng phát triển đều trong 6 năm gần đây. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của tỉnh không đủ nên Bình Dương vẫn luôn ở vị trí thấp hơn trung vị cả nước, cụ thể năm 2023 thấp hơn 0,39 điểm.
Chỉ số thành phần về chi phí thời gian đạt 7,71 điểm (trung vị là 7,73 điểm) – tăng 0,36 điểm so với năm trước. Nhìn chung, doanh nghiệp ghi nhận chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở mức tốt, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả lên đến 82%. Một số chỉ tiêu đạt kết quả cao nhưng lại dưới trung vị cả nước.
Chỉ số thành phần về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,67 điểm (trung vị là 6,45 điểm). Có thể thấy, chỉ số thành phần này đã có sự cải thiện hơn so với năm 2022 (tăng từ 6,13 lên 6,67 điểm), điều này đã chứng minh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện những thủ tục dễ dàng hơn.
- 04 chỉ số thành phần giảm điểm:
Chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai đạt 6,75 điểm (trung vị là 6,78) – giảm tiếp 0,31 điểm so với năm 2022 và thấp hơn điểm trung vị 0,03 điểm.
Chỉ số thành phần về tính minh bạch đạt 6,45 điểm (trung vị là 6,09) – giảm 0,22 điểm so với năm 2022 và thấp hơn tỉnh đứng đầu 0,83. Tính minh bạch là một trong ba chỉ số thành phần mà Bình Dương giữ vị trí cao so với cả nước, nhưng điểm số lại có xu hướng giảm đều trong giai đoạn gần đây.
Chỉ số thành phần về chi phí không chính thức đạt 6,86 điểm (trung vị là 7,05 điểm) – giảm tiếp 0,06 điểm, theo chuỗi giảm từ năm 2021 từ 7,06 xuống còn 6,92 điểm năm 2022.
Chỉ số thành phần về cạnh tranh bình đẳng đạt 5,31 điểm (trung vị tại 5,76) – giảm 0,76 điểm so với năm 2022, tụt liên tiếp kể từ năm 2020. 5,31 là số điểm chạm đáy trong vòng 6 năm qua, bằng điểm với báo cáo PCI năm 2018.
Điểm số PCI Bình Dương so với các tỉnh Đông Nam Bộ năm 2023
* Hạn chế, khó khăn và vướng mắc
Về khách quan:
Tỉnh Bình Dương, với sự phát triển sớm và mạnh mẽ về chất lượng điều hành kinh tế, dẫn đến có thể đạt đến điểm bão hòa khi cạnh tranh với các tỉnh khác. Điều này dẫn đến việc duy trì hoặc tăng nhẹ chỉ số PCI mà không có sự bứt phá rõ rệt.
Với số lượng doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, việc khảo sát một mẫu nhỏ có thể không phản ánh chính xác tình hình thực tế. Điều này ảnh hưởng đến độ tin cậy của chỉ số PCI và có thể dẫn đến kết quả không đại diện cho toàn bộ doanh nghiệp.
Việc phiếu khảo sát không được gửi đến đúng đối tượng doanh nghiệp có thể làm sai lệch kết quả đánh giá.
Về chủ quan:
Số lượng cán bộ, công chức còn thiếu so với chỉ tiêu được phân bổ trong khi khối lượng công việc ngày càng gia tăng và phức tạp hơn.
Hệ thống trang thiết bị phục vụ để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa chưa đảm bảo, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cán bộ, công chức, người dân của tỉnh. Ngoài ra hệ thống xử lý các thủ tục hành chính cũng thường xuyên phát sinh lỗi, gây ách tắc trong quá trình xử lý, vận hành bộ máy để giải quyết trả kết quả cho doanh nghiệp.
Việc tiếp cận thông tin của người dân/doanh nghiệp bị hạn chế do một số khó khăn còn tồn đọng như tốc độ truy cập vào hệ thống Website tỉnh bị chậm và thường xuyên xảy ra lỗi truy cập vì trang thông tin điện tử được đầu tư từ khá lâu.
Nguồn lao động chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng đa dạng của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực mới, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.
Quy định triển khai Luật Đất đai có nhiều thay đổi, đôi lúc chưa đồng bộ, cho nên phần nào ảnh hưởng đến thời gian tính tiền bồi thường về thuê đất dẫn đến tỷ lệ doanh nghiệp chấp nhận bồi thường còn hạn chế; Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã được UBND tỉnh có quyết định giao, cho thuê đất đang gặp khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ tài chính do vướng mắc trong công tác xác định giá đất nên ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ đất đai.
* Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 và những năm tiếp theo
Với mục tiêu thực hiện nâng cao thu hút đầu tư; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Bình Dương các năm tiếp theo, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và những năm tiếp theo như sau:
Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (chỉ số DDCI) để cụ thể trách nhiệm từ chỉ số PCI (đối với tỉnh) sang chỉ số DDCI (đối với các Sở, ban, ngành và địa phương) nhằm tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động của từng Sở, ban, ngành và địa phương.
Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình trọng điểm, trong đó có dự án ngành giao thông (đường Vành đai 3, BOT Quốc lộ 13,...); khởi công xây dựng đường Vành đai 4 – thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; nghiên cứu, lập dự án đầu tư tuyến đường sắt Bàu Bàng – Dĩ An.
Tăng cường cải cách hành chính và chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu giải quyết 100% thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng tối đa các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội từ các tiến bộ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “tăng trưởng xanh”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đồng thời, đơn giản hóa, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, cấp huyện và đường dây nóng 1022.
Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và dự án bất động sản; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, phát huy thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hoàn thiện Đề án di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Bắc; Bộ tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Ban hành và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, mang lại hiệu quả cao; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động như: về nhà ở, giải quyết việc làm, у tế, giáo dục, đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, giải trí phục vụ cho người lao động.
Tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc nâng cao Chỉ số PCI đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp. Điều này giúp mọi người hiểu rõ mục tiêu và cùng chung tay thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số này.
Các Sở, ban ngành và các đơn vị liên quan chủ động rà soát trang thông tin điện tử quản lý để nâng cấp hoặc thiết mới theo hướng hiện đại, thuận tiện người dân/doanh nghiệp truy cập để tra cứu các thông tin liên quan và nâng cao mức độ hài lòng người dân/doanh nghiệp.
Quốc Bình