BÌNH DƯƠNG - TỔNG KẾT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 CỦA CHÍNH PHỦ NĂM 2024
Tình hình thế giới trong năm 2024 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn; các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng có sự phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng đô la Mỹ và giá vàng, giá xăng dầu, hàng hóa biến động mạnh. Để đảm bảo thắt chặt các chính sách điều hành thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, ngày 05 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2024 triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, Tỉnh đã đã quán triệt sâu sắc 12 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Một góc thành phố mới Bình Dương (ảnh minh họa)
Một số kết quả đạt được:
Ngay từ cuối năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành sớm dự báo tình hình, khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh duy trì phát triển tích cực và đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý, ước đến cuối năm tốc độ tăng GRDP tỉnh đạt kết hoạch đã đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ duy trì ổn định đạt trên 90% tổng quy mô nền kinh tế.
Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực và ổn định trở lại. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần thúc đẩy thương mại, xuất khẩu; cơ cấu nội ngành công nghiệp cơ bản có chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% so với năm 2023 (năm 2023 tăng 6,1%; kế hoạch tăng > 8,7%).
Tỉnh đã triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trong dịp Lễ, Tết; nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm nên giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động lớn; thương mại điện tử được chú trọng phát triển; các doanh nghiệp bán lẻ tích cực triển khai đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,5 tỷ đô la Mỹ, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự đồng lòng của các cấp, các ngành và doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt kế hoạch năm.
Điều hành nhiệm vụ thu - chi ngân sách đạt hiệu quả; chi ngân sách tiết kiệm; đảm bảo cân đối chi cho các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh. Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chính sách lãi suất và cải tiến thủ tục hỗ trợ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 161.980 tỷ đồng, tăng 11% (năm 2023 tăng 8,5%, kế hoạch tăng 11%).
Bên cạnh đó, Tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công; thường xuyên nắm tình hình và tổ chức kết nối nguồn cung - cầu lao động trong thị trường đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các cơ sở y tế đảm bảo tốt việc trực khám và điều trị bệnh cho người dân; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử phiên bản mới; đảm bảo cung ứng thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập; công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư; chất lượng đào tạo, trình độ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học tiếp tục được giữ vững và nâng cao.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; kịp thời rà soát, nghiên cứu sửa đổi, ban hành mới các chính sách đặc thù cũng như kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên một số ngành, lĩnh vực đáp ứng tình hình thực tiễn. Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các dự án bất động sản đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện các dự án phát triển đô thị, dự án bất động sản, khu công nghiệp và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Công tác quân sự, quốc phòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí; kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan các quy định về phòng cháy, chữa cháy cho người dân, doanh nghiệp. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai tích cực, liên tục, đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của tỉnh trong cả nước và trên trường quốc tế. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thu hút được nhiều nhà đầu tư tiếp cận với định hướng phát triển tỉnh Bình Dương đến năm 2030.
(Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - ảnh minh họa)
Một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân:
- Năm 2024, Bình Dương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế các tháng đầu năm thấp so với mục tiêu bình quân cả năm; GRDP bình quân đầu người chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác thu hút đầu tư một số ngành công nghiệp mới, hiện địa, công nghiệp xanh, dịch vụ chất lượng cao chưa nhiều. Hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn do chi phí nguyên vật liệu, logistics còn ở mức cao, một số thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống không ổn định. Chi phí sản xuất của khu vực nông nghiệp và dịch vụ tăng cao.
- Công tác giải ngân vốn đầu tư công tuy được tập trung đẩy mạnh, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp; tiến độ một số công trình, dự án giao thông còn chậm do phát sinh các vấn đề vướng mắc về thủ tục pháp lý, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc chỉnh trang đô thị một số nơi chậm triển khai, thiếu nguồn lực. Việc di dời doanh nghiệp từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc còn nhiều vướng mắc, chưa có tiến triển rõ nét. Công tác thẩm định giá đất, phê duyệt giá đất cụ thể, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất phát sinh các khó khăn.
- Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa còn vướng mắc về cơ chế, chính sách. Nhân lực y tế chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế chưa giải quyết dứt điểm. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo… còn hạn chế. Công tác đào tạo nghề chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển. Số lượng học sinh tiếp tục tăng cao gây nhiều áp lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên.
- Công tác phối hợp có lúc, có nơi chưa nhịp nhàng, đồng bộ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến công việc bị chậm trễ; chất lượng tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của lãnh đạo và trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, số lượng biên chế công chức được Trung ương giao rất thấp, tạo áp lực cho đội ngũ công chức đang công tác. Các vụ việc, vấn đề tồn đọng từ các giai đoạn trước cần có nhiều thời gian để tập trung giải quyết, khắc phục. Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi; tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp.
Sau gần 1 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chỉnh phủ, mặc dù còn tồn tại nhiều hạn chế, cũng như biến động của thị trường kinh tế - chính trị chưa lường trước được. Nhưng tỉnh Bình Dương cơ bản đạt được một số thành tựu nhất định, trong quá trình điều hành và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Bước sang năm 2025, Tỉnh đã đặt mục tiêu cao, nổ lực hoàn thành các Nghị quyết và chương trình hành động của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đưa tỉnh Bình Dương thành nơi đáng sống, văn mình, nghĩa tình và là đô thị có chiến lược thông minh trong vùng Đông Nam Bộ từ nay đến năm 2030./.
Thành Nhân