Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II
Sáng ngày 14/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động".
Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II
Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế…
Về phía tỉnh Bình Dương, có ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.
Diễn đàn hướng tới đẩy mạnh sáng tạo các ứng dụng số Việt Nam và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số để nâng cao năng lực quản trị, quản lý vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản trị hoạt động của các doanh nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh mới và nâng cao năng suất lao động, tập trung vào 5 nhóm ngành, lĩnh vực là: thương mại, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch và logistics.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo Bộ, ban, ngành, địa phương tham dự diễn đàn.
Tại phiên toàn thể, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, năng suất lao động luôn là chỉ tiêu mà nhiều năm, nhiều kỳ Đại hội, chúng ta chưa đạt được. Lời giải cho tăng năng suất lao động Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, là chuyển đổi số toàn diện và toàn dân, là phát triển kinh tế số.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng cho biết, định hướng mới của Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò nòng cốt.
Hiện, Bình Dương đã có 6 khu công nghiệp đang áp dụng nền tảng quản trị và điều hành thông minh của Tổng Công ty Becamex IDC. Với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và mạng 5G, giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu theo thời gian thực, tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nguồn lực và giảm tác động đến môi trường.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực Logistics cũng được Bình Dương chú trọng với các giải pháp tự động hóa kho bãi và dịch vụ giao nhận, nhằm giảm chi phí logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ; thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới cũng là hướng đi quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của Bình Dương.
Ngoài ra, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, bán dẫn cũng là ưu tiên chiến lược của Bình Dương. Bình Dương đang hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu, nhằm thu hút đầu tư vào các sản phẩm điện tử, công nghiệp vi mạch bán dẫn, IoT, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng; góp phần hình thành một vùng động lực công nghệ cao kết nối với các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu và là động lực”, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Huy động các nguồn lực cho thúc đẩy nghiên cứu và phát triển; các tổ chức, doanh nghiệp phải tăng cường liên kết, hợp tác hiệu quả theo mô hình nhà nước – nhà nghiên cứu – nhà doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và tự tin tiến ra chiếm lĩnh các thị trường quốc tế. Song song, thúc đẩy phát triển nhân lực số, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi và Đề án phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn.
Diễn đàn gồm phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề gồm: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị; Ứng dụng công nghệ số - Lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Sáng tạo số, AI và dịch vụ.
Chuyên đề 3: Sáng tạo số, AI và Dịch vụ
Ngoài ra, còn có các hoạt động triển lãm các ứng dụng công nghệ cho phát triển kinh tế số và xã hội số.
Các quầy triển lãm công nghệ bên ngoài Diễn đàn
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những thay đổi nhận thức và hành động từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số.
Trúc Lam