Tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ 9 tháng năm 2024, những thách thức khó khăn của vùng
Trong 9 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6.8% so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đầu tăng trưởng GRDP của vùng là Bà Rịa - Vũng Tàu với mức tăng 11,47%, Bình Dương GRDP 9 tháng năm 2024 tăng 7,05%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,11%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, khu vực dịch vụ tăng 7,42%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm vụ tăng 6,95%.
Bà rịa - Vũng tàu là địa phương có tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2024 cao nhất vùng Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam bộ là khu vực trọng điểm kinh tế của Việt Nam, tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, khi tình hình kinh tế, chính trị quốc tế có nhiều biến động, đây sẽ là vùng chịu ảnh hưởng rõ rệt và trực tiếp nhất, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ trong 7 tháng đầu năm đã thể hiện rõ điều này khi chỉ đạt 5.58%, thấp hơn bình quân chung của cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên. Để đảm bảo sự phát triển và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, cần nhìn nhận những thách thức mà khu vực đang đối mặt, từ ảnh hưởng của hạ tầng kỹ thuật đến các thay đổi chính sách pháp luật để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp.
Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng so với cùng kỳ các năm trước năm 2011 - 2024
Hạ tầng giao thông và kỹ thuật là yếu tố cốt lõi đối với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Bộ hạ tầng này đang dần không theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế vùng. Mặc dù Chính phủ và chính quyền các địa phương đã có những quy hoạch dài hạn cùng các biện pháp trung và ngắn hạn để đảm bảo hạ tầng phục vụ phát triển, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn của vùng là mật độ dân cư cao, dẫn đến áp lực lớn lên hệ thống giao thông. Tình trạng tắc nghẽn giao thông trở nên phổ biến, ảnh hưởng đến hiệu suất vận hành của hệ thống giao thông và làm tăng chi phí logistics cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng phải được dàn trải cho nhiều hạng mục khác nhau, khiến cho hiệu quả đầu tư bị phân tán, quy mô và khả năng sử dụng quỹ đất ngày càng hạn chế, buộc các dự án hạ tầng phải di chuyển xa hơn so với các trung tâm sản xuất và đầu mối giao thông hiện hữu. Việc giải phóng mặt bằng để đảm bảo đấu nối giao thông và liên kết khu vực cũng gặp nhiều khó khăn, gây chậm tiến độ các dự án trọng điểm. Nhìn chung, dù Đông Nam Bộ có hạ tầng kỹ thuật tốt so với nhiều vùng khác, nhưng khu vực này vẫn đang chịu áp lực lớn từ việc mở rộng và nâng cấp hạ tầng, tiềm năng và quỹ đất để phát triển ngày càng hạn chế. Trong khi đó, các vùng khác vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, tạo ra sự cạnh tranh lớn trong việc thu hút đầu tư.
Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Quốc hội đã thông qua một loạt các văn bản luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng. Đây là nhóm luật lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh sản xuất chứ không chỉ riêng với ngành bất động sản. Đặc biệt đối với vùng Đông Nam Bộ, nơi có tỷ trọng doanh nghiệp đang hoạt động và tỷ trọng vốn FDI đăng ký cao nhất cả nước, mức độ ảnh hưởng từ các thay đổi này càng rõ rệt. Tuy nhiên, việc Quốc hội thông qua Luật số 43/2024/QH15 để cho phép nhóm luật này có hiệu lực sớm từ ngày 01/08/2024, và các nghị định hướng dẫn thi hành đã được Chính phủ ban hành ngay sau đó, là tín hiệu tích cực để các nhà đầu tư có thêm cơ sở pháp lý, yên tâm đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn còn lại của năm 2024. Bênh cạnh đó, việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch các tỉnh trong vùng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cùng với các tỉnh phát triển.
Với những thách thức trên, các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ cần nhìn nhận lại kết quả phát triển vùng, tìm ra các giải pháp vượt qua các thách thức, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc cải thiện hạ tầng, tận dụng các cơ hội từ các chính sách mới và đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng. Đồng thời, cần linh hoạt và nhanh chóng thích ứng với các biến động toàn cầu để đảm bảo sự phát triển bền vững cho vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới./.
Thảo Nhi