HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ "IPO - ĐƯỜNG BĂNG SÁNG TẠO - KỲ LÂN CẤT CÁNH” TECHFEST VIETNAM 2022
Sáng ngày 02/12/2022, Hội thảo “IPO - Đường băng sáng tạo - Kỳ lân cất cánh” (gọi tắt là IPO [1]) đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị triển lãm Bình Dương. Đây là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động Techfest Vietnam 2022.
Hình ảnh các chuyên gia, diễn giả trong buổi Hội thảo
Tham dự có Ông Phạm Hồng Quất - Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Huỳnh Kim Tước - CEO Saigon Innovation Hub; Ông Nguyễn Bá Diệp - Thạc sỹ - Doanh nhân - Nhà đồng sáng lập Ví điện tử MoMo; Ông Đỗ Văn Phú - Tiến sỹ - Phó viện trưởng Viện phát triển Kinh tế Số Việt Nam; Ông Trần Như Tuấn - Thạc sĩ - Doanh nhân - CEO Công ty tài chính Wigo Finance; Ông Martin Đoàn - Tiến sỹ - Doanh nhân - Chủ tịch của MSquare Holdings & Quỹ AGGC và một số doanh nhân, diễn giả khác.
Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư quốc tế nhờ sự mở rộng của các ngành công nghiệp số. Năm 2021 là một năm thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, bên cạnh việc bổ sung vào danh sách hai “kỳ lân” công nghệ mới thì các Startup[2] Việt Nam còn mang về số tiền đầu tư kỷ lục lên đến 1,4 tỷ USD là vốn đầu tư vào các startup Việt Nam trong năm 2021, gấp 1,5 lần so với con số kỷ lục vào năm 2019. Để đạt được những con số trên nhiều chuyên gia cho rằng một phần là nhờ sức hút đặc biệt của những “kỳ lân” công nghệ Việt. Không phải ngẫu nhiên khi nói về hệ sinh thái khởi nghiệp của một quốc gia giới chuyên nhắc đến số lượng kỳ lân như một tiêu chí. Đó là bằng chứng cho quy mô, khả năng hấp thụ nguồn vốn của thị trường. Chính vì vậy việc một nước sở hữu càng nhiều “kỳ lân” sẽ mang lại càng nhiều lợi ích cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nước đó.
Dưới sự chỉ đạo của Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND Tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội thảo "Đường băng sáng tạo - Kỳ lân cất cánh”. Đây là một trong những tọa đàm chiến lược ươm tạo và tăng tốc kỳ lân cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có tiềm năng và được khẳng định về thị trường cũng như năng lực phát triển. Như vậy, IPO thúc đẩy thị trường vốn quy mô quốc gia và hướng đến thị trường IPO quốc tế như Singapore, Hàn quốc, Nhật Bản và New York (Hoa Kỳ)…
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Ông Phạm Hồng Quất - Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ Techfest Việt Nam tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế với hoài bão, khát vọng các Startup Việt Nam noi gương thế hệ các kỳ lân đã thành công, ghi được dấu ấn đậm nét trong khu vực và quốc tế. Đây là cơ hội để các SMEs [3]- Unicorn (kỳ lân) - Những Startup có khát vọng, có đam mê và bước đầu thành công có thể có được “đường băng sáng tạo” - những người đồng hành, những chuyên gia, cố vấn giúp các bạn định hình được mô hình kinh doanh của riêng mình,...”
Ông Phạm Hồng Quất - Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Tại Hội thảo, Ông Huỳnh Kim Tước - CEO Saigon Innovation Hub đã chia sẻ về hành trình hình thành Câu lạc bộ IPO Hồ Chí Minh với sự tiên phong, mở đường cho cộng đồng IPO Việt Nam và truyền cảm hứng, ủng hộ cho các startup trên hành trình IPO của mình.
Ngoài ra trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra 04 chuyên đề tham luận của các chuyên gia về các chủ đề nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp tiến tới kỳ lân:
(1) Tham luận 1: Lộ trình của Doanh nghiệp KHCN trở thành Kỳ lân: Diễn giả: Thạc sỹ - Doanh nhân Nguyễn Bá Diệp - Nhà đồng sáng lập Ví điện tử MoMo;
(2) Tham luận 2: Trị giá hay giá trị của Kỳ lân Việt: Diễn giả: Tiến sỹ Đỗ Văn Phú - Phó viện trưởng Viện phát triển Kinh tế Số Việt Nam;
(3) Tham luận 3: Kỳ lân công nghệ! Chạy đà hoàn hảo chuẩn bị IPO: Diễn giả: Thạc sĩ - Doanh nhân Trần Như Tuấn - CEO Công ty tài chính Wigo Finance;
(4) Tham luận 4: Giải pháp niêm yết tại thị trường New York cho Kỳ lân Công nghệ Việt: Diễn giả: Tiến sỹ - Doanh nhân Martin Đoàn - Chủ tịch của MSquare Holdings & Quỹ AGGC.
Ngay trong chương trình hội thảo đã diễn ra “Lễ ra mắt mạng lưới đầu tư IPO Techfest Quốc gia và Lễ ký kết Hợp tác Đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên hành trình IPO Kỳ lân Công nghệ bứt tốc và cất cánh” với sự thống nhất hợp tác của nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn cũng như các tổ chức, quỹ đầu tư, các định chế tài chính, các đơn vị tổ chức tư vấn tiêu chuẩn quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng, nhằm phục vụ sứ mệnh chung là đề xuất chính sách, kết nối quốc gia, kiến tạo hạ tầng vốn, quy tụ đầy đủ thành phần hỗ trợ để “Sandbox [4]” xây dựng hệ sinh thái bền vững và phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt nam trên hành trình IPO tiến tới kỳ lân trong cuộc cách mạng 4.0.
Đặc biệt chương trình tọa đàm với chủ đề “Giải pháp cho kỳ lân công nghệ - Bứt tốc và cất cánh” có sự góp mặt của các chuyên gia: (1) Thạc sỹ - Doanh nhân Nguyễn Bá Diệp - Nhà sáng lập Ví điện tử MoMo, (2) Tiến sỹ Đỗ Văn Phú - Phó viện trưởng Viện phát triển Kinh tế Số Việt Nam, (3) Tiến sỹ - Doanh nhân Nguyễn Vĩnh Minh Thành - CEO công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Nam Đà Lạt, (4) Thạc sĩ - Doanh nhân Trần Như Tuấn - Giám đốc điều hành quỹ Đầu tư SRI Capital, (5) Tiến sỹ - Doanh nhân Martin Đoàn - Chủ tịch Điều hành Quỹ Đầu tư Asia Global Capital Group.
Hình ảnh tại phiên toạ đàm
Tại phiên tọa đàm, Thạc sĩ - Doanh nhân Nguyễn Bá Diệp - Nhà sáng lập Ví điện tử MoMo đã chia sẻ: “Việt Nam là một nước có rất nhiều Việt Kiều ở nước ngoài và ở rất nhiều nước khác nhau, đây là những nhân lực rất quan trọng giúp kết nối nguồn lực, nguồn tri thức và lan tỏa hình ảnh của Việt Nam ra ngoài thế giới. Vì vậy Momo đã thu hút được rất nhiều những nhân tài Việt Nam tại nước ngoài về đóng góp và kết nối mạng lưới, gắn kết người Việt Hải Ngoại. Nếu kết hợp tốt những nguồn lực này thì trong tương lai sẽ không chỉ có một Momo mà còn có rất nhiều Momo tiếp theo sẽ xuất hiện”.
Đây là một dấu hiệu hết sức khả quan cho thấy Việt Nam là một đất nước tiềm năng, là cái nôi nuôi dưỡng của kỳ lân công nghệ mới trong khu vực Đông Nam Á vì vậy việc kết nối tốt nguồn lực tạo một môi trường khởi nghiệp mở và năng động bậc nhất là điều mà nước ta đang hướng đến. Việc đất nước ngày càng có thêm nhiều “kỳ lân” cũng đồng nghĩa là startup đã phát triển đến một quy mô và giá trị lớn, thu hút được nhiều vốn đầu tư và đã khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.
Những chia sẻ rất chuyên sâu của các chuyên gia về giải pháp cho các kỳ lân công nghệ là nguồn năng lượng mới, nguồn sinh khí mới cho hệ sinh thái Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Quốc gia giúp cho các Startup có thêm những góc nhìn, những giải pháp và nguồn lực để sẵn sàng tăng tốc tiến tới kỳ lân trong tương lai.
Như vậy, HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ "IPO - ĐƯỜNG BĂNG SÁNG TẠO - KỲ LÂN CẤT CÁNH” là cơ hội cho cộng đồng nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp lớn và SMEs cơ hội kết nối vs các định chế tài chính, quy trình phương pháp IPO tiêu chuẩn quốc tế và rộng hơn là tạo ra sân chơi mới, đường băng sáng tạo mới cho Kỳ Lân cất cánh trong kỷ nguyên số.
Mai Hương
[1] IPO (Initial Public Offering): là phát hành lần đầu ra công chúng. Đây là thuật ngữ được dùng để chỉ hoạt động lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán của một công ty với mục đích để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Công ty sau khi IPO sẽ được gọi là một công ty đại chúng.
[2] Startup: Các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp khởi nghiệp.
[3] SMEs: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
[4] Sandbox: là một kỹ thuật thuộc lĩnh vực bảo mật. Theo đó nó có tác dụng cô lập những ứng dụng và ngăn chặn những phần mềm độc hại để không thể nào làm cho hệ thống bị hỏng hoặc cài những mã độc để đánh cắp thông tin của người dùng.