KẾT QUẢ VÀ NHỮNG QUAN ĐIỂM VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Từ thực tiễn phát triển rất phong phú và sinh động trong hơn 25 năm qua, Bình Dương nhận thức sâu sắc rằng thu hút vốn đầu tư là giải pháp đột phá, là động lực đưa Bình Dương ra khỏi tình thế khó khăn từ xuất phát điểm một tỉnh nông nghiệp lạc hậu sau khi tái lập; làm tăng quy mô nền kinh tế, chuyển đổi mạnh cơ cấu thành phần kinh tế và cơ cấu xã hội.
Đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.085 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 9% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước.Phát huy những kết quả tích cực về thu hút đầu tư, trong năm 2022, Bình Dương đã thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 3 tỷ 138 triệu đô la Mỹ, bằng 118% so với cùng kỳ năm 2021.
Đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngay từ khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã thực hiện chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”, trong chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ luôn nhạy bén, chủ động nắm chắc thời cơ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn; không trông chờ, ỷ lại, từ đó phát huy được trí tuệ tập thể, sức mạnh của nhân dân để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ thu hút đầu tư. Đây chính là nền tảng cơ bản, là động lực chủ yếu cho sự phát triển thời gian qua. Hơn nữa, tỉnh xác định phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là sự nghiệp chung, vừa là lợi ích, vừa là nhiệm vụ của cả xã hội, phát triển hạ tầng là trọng tâm, là bước đột phá để thu hút đầu tư phát triển. Mặt khác, tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển một cách đồng bộ hạ tầng giao thông với hạ tầng công nghiệp, dịch vụ và đô thị, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đảm bảo tính phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, kết nối thuận lợi với hạ tầng kỹ thuật của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Hiện nay, để tiếp tục tạo ra những động lực mới trong thu hút đầu tư, Bình Dương đã có chủ trương để triển khai Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, đây được xem là “chìa khóa” để thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn một cách căn cơ và bền vững, làm nền tảng để phát triển vùng đổi mới sáng tạo, vùng sản xuất thông minh Bình Dương trong tương lai. Thông qua việc thoả mãn 6 tiêu chí khắt khe của ICF, Bình Dương đã lần thứ 4 liên tiếp vinh dự được góp mặt trong danh sách các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới - Smart 21. Ngoài ra, các chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ sự kết hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh với các doanh nghiệp, đã giúp cho lực lượng lao động qua đào tạo nghề của Bình Dương tăng lên đáng kể; đồng thời, tỉnh đã có nhiều chính sách để thu hút những chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực về làm việc và hợp tác, những chuyên gia này cùng với đội ngũ chuyên gia của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ đóng góp về mặt chuyên môn, mà chính bản thân họ sẽ là những “ngọn hải đăng” giúp Bình Dương trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn tiếp theo.
Tỉnh Bình Dương cũng thường xuyên tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả của các chính sách và năng lực của các cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh. Bình Dương đã đưa vào hoạt động trung tâm kiểm soát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC), hệ thống này sẽ phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh Bình Dương có cái nhìn tổng quan toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Song song đó, Bình Dương đã triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương đã từng bước hình thành khung nền của mô hình 3 nhà (nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường); phát triển hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ và khởi nghiệp; hệ sinh thái khởi nghiệp bắt đầu được hình thành và phát huy hiệu quả. Nhìn chung, đề án đạt được những thành tựu và đóng góp nhiều ý tưởng có giá trị, thiết thực; là nền tảng để triển khai nhiều chương trình, dự án cụ thể; đóng góp mạnh mẽ vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư, từng bước khẳng định vị thế của tỉnh trên trường quốc tế.
Cho đến nay, Bình Dương đã thực hiện tốt việc duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước. Chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư. Thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, hội nghị, hội thảo với các hiệp hội đầu tư, hiệp hội ngành hàng, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước; đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn duy trì trao đổi với các tỉnh, thành phố của nước ngoài kết nghĩa với Bình Dương bằng hình thức trực tuyến, để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt xu hướng phát triển. Bằng cách làm này, Bình Dương đã luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư, luôn lắng nghe và trân trọng ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các hiệp hội đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng của các nhà đầu tư đối với tỉnh. Đồng thời gắn liền với đảm bảo phát triển kinh tế, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển luôn hướng đến mục tiêu vì con người, chú trọng lợi ích của nhân dân, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; chú trọng phát triển bền vững, xây dựng thành phố thông minh, xanh, thịnh vượng. Luôn quan tâm đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm tạo sự đồng thuận cao của nhân dân, nhất là nhân dân trong vùng dự án. Xác định công tác đền bù, tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sinh sống và làm việc là yếu tố then chốt. Thực hiện tốt chủ trương kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhằm giải quyết nhu cầu và nâng cao chất lượng về nhà ở đối với người lao động làm việc trong các khu, cụm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhằm phát huy những thành quả tích cực đã đạt được, tỉnh Bình Dương đã đưa ra những kế hoạch và tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm tiếp theo như thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên thu hút ngành nghề sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và thu hút những ngành nghề dịch vụ chất lượng cao.
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, để tăng sức hấp dẫn và thu hút đầu tư trên địa bàn, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Tiếp theo đó là việc tăng cường rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo về mâu thuẫn của các quy định pháp luật. Đồng thời, cần tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, gắn cải cách hành chính với xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chuyển đổi số; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Bình Dương sẽ chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, hội nghị, hội thảo với các hiệp hội đầu tư, hiệp hội ngành hàng, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước. Hơn nữa, Bình Dương đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, xuyên suốt các tuyến đường giao thông trọng điểm, mang tính chất lan tỏa và kết nối với các tuyến đường trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với hệ thống các cảng biển để lưu thông hàng hóa như: đường Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, kéo dài tuyến Metro từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng - thành phố Dĩ An, tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1...
Hoàng Phong