Định hướng phát triển kinh tế xanh tại Bình Dương - các yếu tố quyết định và lộ trình cho Nhà đầu tư
Thuật ngữ kinh tế xanh được sử dụng rộng rãi từ năm 2008, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu và sự cần thiết kích thích kinh tế xanh. Hiện nay, trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế xanh, tuy nhiên có thể hiểu khái quát kinh tế xanh là sự phát triển bền vững, với việc sử dụng tài nguyên hiệu quả và giảm phát thải ô nhiễm; đi kèm theo đó là chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo và hướng tới bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái.
Ảnh minh họa. Nguồn từ Internet
Tại Bình Dương, trong năm 2023 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3961/KH-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2023 về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, theo đó đề ra 04 mục tiêu và 18 chủ đề hành động, xác định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Theo kế hoạch, nguồn vốn được sử dụng để thực hiện bao gồm: Ngân sách Trung ương, địa phương, chính sách ưu đãi về thuế, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh. Ngoài ra, nguồn vốn từ vay thương mại và đầu tư tư nhân như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh cũng sẽ được xem xét sử dụng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng triển khai đề án Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung nguồn vốn phát triển kinh tế tuần hoàn, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyên đổi số.
Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2024, phát triển Bình Dương xanh là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm và đột phá mà tỉnh cần thực hiện, do đó việc thu hút đầu tư và xây dựng lộ trình phát triển kinh tế xanh là một nhu cầu tất yếu, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Dưới góc độ của nhà đầu tư, để xác định được thế mạnh và sự phù hợp về lĩnh vực đầu tư của kinh tế xanh, cá nhân, doanh nghiệp cần kết hợp giữa những yếu tố sau để đưa ra quyết định cụ thể:
- Khả năng tài chính sẵn có hoặc cơ hội tìm kiếm các giải pháp tài chính phù hợp bao gồm bối cảnh quốc gia, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho phát triển kinh tế xanh của các tổ chức kinh tế, quỹ tài chính,...
- Giải pháp công nghệ với chi phí phù hợp và khả năng tiếp cận đón đầu các công nghệ mới: Việc phát triển kinh tế xanh là sự thay đổi rõ rệt về các giải pháp công nghệ để giải quyết các yêu cầu về năng suất lẫn chất lượng trong kinh doanh, sản xuất nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí về giảm phát thải môi trường, tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo. Do đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh thì ngay từ khi bắt đầu các cá nhân, doanh nghiệp cần tìm được các giải pháp công nghệ hiệu quả với chi phí phù hợp, đồng thời khả năng tiếp cận và nhận chuyển giao các giải pháp công nghệ mới để có thể nhanh chóng bắt kịp nhu cầu thị trường trong nước lẫn quốc tế cũng như có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia đang dẫn đầu về các lĩnh vực này cũng là một yếu tố then chốt.
- Hành lang pháp lý và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế xanh: Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc lựa chọn của mỗi cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư, kinh doanh, sản xuất hướng tới kinh tế xanh. Việc có được một hành lang pháp lý với đầy đủ các chế định từ luật đến các văn bản hướng dẫn thi hành là “điều kiện cần” trong việc chuyển đổi sang kinh tế xanh. Trong khi đó, các chính sách điều hành mang tính định hướng của Nhà nước sẽ là “điều kiện đủ” cũng như là đòn bẩy cho các nhà đầu tư khi tham gia vào phát triển kinh tế xanh khi nhận được các ưu đãi mang lại lợi thế cạnh tranh (bao gồm các ưu đãi về chính sách thuế, quy hoạch sử dụng đất, khả năng tiếp cận nguồn vốn).
- Thế mạnh sẵn có của mỗi cá nhân, doanh nghiệp cũng như những đặc điểm có tính lợi thế của địa phương nơi đang thực hiện đầu tư kinh doanh, sản xuất. Nền kinh tế xanh bao gồm rất nhiều thành phần cấu thành. Tuỳ thuộc vào đặc điểm riêng của mỗi cá nhân, doanh nghiệp cũng như yếu tố địa phương, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lao động mà có thể lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho mình.
Tuy không thể có một lộ trình cụ thể áp dụng cho tất cả các trường hợp nhưng căn cứ vào các đặc điểm vừa nêu, nhà đầu tư có thể định hướng một lộ trình tham khảo như sau:
- Giai đoạn 1: Tái cơ cấu bộ máy hoạt động cũng như hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng tinh gọn, tiết kiệm. Từ đó có thể giúp nhà đầu tư tận dụng tối đa nguồn lực và tài nguyên hiện có để sử dụng hiệu quả nhất.
- Giai đoạn 2: Ứng dụng các giải pháp công nghệ để tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo cũng như giảm phát thải ô nhiễm, từ đó cải thiện được hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xây dựng được quy trình để tái sử dụng, tái chế hoặc gia tăng tính tuần hoàn của nguồn năng lượng trong hoạt động kinh doanh sản xuất. Ở giai đoạn này tập trung vào việc ứng dụng và làm chủ được nền tảng công nghệ, quy trình kỹ thuật cũng như hoàn thiện bộ máy tổ chức và nhân sự để tạo ra mô hình hoạt động chuẩn cho hoạt động kinh tế xanh không đặt nặng về quy mô sản xuất kinh doanh.
- Giai đoạn 3: Bằng mô hình và hiệu quả đã đạt được nhà đầu tư cần tận dụng tối đa các cơ hội, ưu đãi về tài chính, chính sách mà các tổ chức quốc tế, quỹ tài chính và Nhà nước để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tái đầu tư phát triển về giải pháp công nghệ, mở rộng đầu tư những lĩnh vực trước đó chưa thể thực hiện. Từ đó mô hình này có thể nhanh chóng mở rộng về quy mô cũng như gia tăng về lợi nhuận.
- Giai đoạn 4: Sau khi đã đạt được thành tựu nhất định cũng như có được nguồn lực dồi dào, các nhà đầu tư cần tái đầu tư vào cải thiện môi trường, bảo tồn nguồn tài nguyên, xây dựng hệ sinh thái các mô hình kinh tế phụ trợ. Điều này đảm bảo cho nền kinh tế xanh có sự phát triển bền vững.
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không chỉ mang lại giá trị kinh tế lâu dài mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Sự đồng hành giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ là chìa khóa để Bình Dương không chỉ đạt được các mục tiêu kinh tế xanh đã đề ra mà còn trở thành hình mẫu tiên phong trong công cuộc cải cách và phát triển bền vững tại Việt Nam./.
Thảo Nhi