THU HÚT FDI TRONG LĨNH VỰC TÁI TẠO NHẰM PHÁT TRIỂN XANH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI BÌNH DƯƠNG
Năng lượng tái tạo (NLTT) hay còn được biết đến là nguồn năng lượng sạch hoàn toàn và chúng trái ngược với nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng tái tạo được tạo ra từ các nguồn hình thành liên tục và gần như là vô hạn như ánh sáng mặt trời, mưa, gió, thủy triều, ... Do đó, phát triển NLTT là một trong những giải pháp thiết yếu hương đến mục tiêu phát triển bền vững, giảm biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính theo đuổi phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Trong những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực NLTT đã có chuyển biến tích cực, góp phần bổ sung nguồn vốn vào lĩnh vực này.
Thực trạng thu hút FDI trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Theo Nghiên cứu của HSBC, Việt Nam được xếp hạng là điểm đến đầu tư tốt nhất cho năng lượng tái tạo ở ASEAN nhờ một số yếu tố như nguồn tài nguyên sẵn có, nhu cầu về điện tăng và mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như mục tiêu tuyệt đối về năng lượng tái tạo (khoảng 30% năng lượng sử dụng của Việt Nam năm 2030 sẽ là năng lượng gió/mặt trời). Với các lợi thế về điều kiện tự nhiên như trên, Tổ chức năng lượng thế giới (IEA) dự báo trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành một trong năm trung tâm NLTT của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á và Nam Mỹ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, có 81/85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 4.597,86MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; 68 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương. Tổng sản lượng điện tháng 9 (đến hết ngày 27 tháng 9 năm 2023) đạt 21,164 tỷ kWh. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt khoảng 210.3 tỷ kWh, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 73,9% so với Kế hoạch năm 2023 được phê duyệt.
Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (Công văn số 4986/EVN-KH), tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (9-12) ước đạt 95,6-97,2 tỷ kWh, tăng từ 9,9% - 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 281,9 - 283,6 tỷ kWh, tăng khoảng 5,1 - 5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt từ 99,1 - 99,6% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Kết quả đạt được tại Bình Dương
Về công tác quản lý năng lượng: Phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện năm 2023. Thống nhất với Tổng công ty Điện lực miền Nam về di dời lưới điện hiện hữu trong phạm vi bảo vệ hành lang đường bộ trên địa bàn tỉnh. Triển khai chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023. Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác an toàn điện, tiết kiệm điện và điều hành cung cấp điện năm 2023. Bổ sung quy hoạch công trình “Nhà máy điện rác Biwase công suất 9,6 MW thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương” vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh. Điều chỉnh hướng tuyến đường dây 500KV Đức Hòa - Chơn Thành.
Về sản lượng điện thương phẩm: Trong 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 9.8 tỷ KWh, giảm 18% so cùng kỳ; tiết kiệm điện 2,1 tỷ KWh. Các dự án phát triển đường dây, trạm biến áp,... được quan tâm tháo gỡ và chuyển biến tốt; duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,99%.
Về vốn đầu tư FDI: trong những năm gần đây, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tích cực cả về số lượng và chất lượng. Lũy kế đến ngày 15/10/2023, toàn tỉnh hiện có 4.185 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40,2 tỷ đô la Mỹ. Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các dự án đầu tư đang dần đảm bảo được các tiêu chuẩn phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững mà Bình Dương hiện đang theo đuổi. Điển hình là Nhà máy trung hòa cacbon đầu tiên của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) dự án có vốn FDI hơn 1 tỉ đô la Mỹ - là một trong những dự án vốn FDI lớn nhất tại Bình Dương và cũng là một trong những dự án lớn nhất của Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn A.P Moller Maersk (Đan Mạch) cũng đã có buổi thăm và làm việc cùng Lãnh đạo tỉnh Bình Dương để cùng trao đổi và giới thiệu cung cấp dịch vụ logistic tích hợp lớn nhất và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây. Với phương châm chú trọng vào các hoạt động phát triển bền vững, tạo các giá trị cho cộng đồng, Maersk thông qua các sáng kiến tập trung vào giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo, cũng như các chương trình và giải pháp xanh của Maersk như : ”Giao hàng sinh thái”, ”Hậu cần không phát thải” và ”Số hóa chuỗi cung ứng toàn cầu”… Cùng với đó, Bình Dương thúc đẩy xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao; đồng thời đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng, chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới như Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, ….
Một số hạn chế khi phát triển NLTT tại địa phương
Bên cạnh những lợi thế nêu trên, hoạt động thu hút FDI vào lĩnh vực phát triển NLTT đứng trước nhiều thách thức, kể đến như nguồn nhân lực thấp, hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế, biến động kinh tế, ... Do đó, việc thu hút FDI vài lĩnh vực NLTT có bước tiến triển nhưng vẫn chưa cao, chưa khai thác được tìm năng tại địa phương.
Một số giải pháp
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện đề án chuyển đổi công năng; xây dựng lộ trình rõ ràng, hành lang pháp lý và các chính sách công khai, minh bạch hơn nữa về lộ trình phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Hai là, cần có chính sách thu hút đầu tư, quảng bá, mời gọi doanh nghiệp FDI cho các lĩnh vực phát triển năng lượng xanh. Chú trọng lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, cần tăng cường hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút và chọn lọc những dòng vốn FDI công nghệ cao, nông nghiệp xanh để đầu tư phát triển. Đồng thời, thúc đẩy đối tác công tư PPP kết hợp với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển NLTT.
Ba là, thực hiện đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng, chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.
Bốn là, cần có kế hoạch đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ, kĩ thuật cả về số lượng và chất lượng để có thể sử dụng và vận hành các mô hình kinh tế mới.
Năm là, có lộ trình phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đầu tư các nguồn lực phát triển NLTT phù hợp với địa phương; trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ, phát triển các khu công nghệ cao, đẩy nhanh chuyển đối số kinh tế.
Sáu là, tăng cường trao đổi học hỏi, học hỏi giữa các quốc gia, địa phương để tìm ra mô hình phù hợp nhất đối với sự phát triển chung của tỉnh.
Mai Hương
Nguồn:
1. Kinh tế và dự báo, ấn phẩn số 23, tháng 8/2023: Thu hút FDI trong lĩnh vực tái tạo nhằm phát triển bền vững;
2. Báo Bình Dương: Bình Dương khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo;
3. Báo cáo số 2954/BC-SCT ngày 08/10/2023 của Sở Công thương tỉnh Bình Dương;
4. Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 năm 2023 của Bộ Công thương;
5. Tạp chí điện tử Mekong Asean: HSBC xếp Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất cho năng lượng tái tạo ở ASEAN;