MÔ HÌNH HỢP TÁC CÔNG TƯ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN – THỬ THÁCH VÀ NHỮNG CƠ HỘI
Bình Dương là một trong những tỉnh năng động có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Là một cơ quan nhà nước quản lý và cấp phép đầu tư của Tỉnh, việc áp dụng hình thức hợp tác công tư (PPP) cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và tham gia vào chuỗi giá trị của kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều giá trị lợi ích cho tỉnh nhà; đồng thời cũng nổi bật lên những thử thách trong việc kêu gọi và phát triển lĩnh vực này.
- Cơ hội đến từ xu hướng: Hiện nay, việc chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đang là đòi hỏi cấp bách của sự phát triển chung của cả thế giới, đặc biệt đối Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Đây là nhiệm vụ nặng nề đối với Việt Nam - một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi. Trên thế giới, gần đây, các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đưa ra chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh. Đây vừa là yêu cầu đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế, vừa là đòi hỏi nội tại của đất nước chúng ta ở một vị trí nền kinh tế chịu ảnh hưởng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
- Cơ hội đến từ thể chế: Đầu tư phát triển hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó vốn vay ODA là chiếm tỷ trọng lớn (Bình Dương đã đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương cách đây 20 năm từ năm 2003. Hiện đã có khung pháp lý về PPP mà cao nhất là Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, trong đó xử lý chất thải là thuộc 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư với mức đầu tư tối thiếu một dự án là 200 tỷ đồng. PPP trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn cũng đang được kỳ vọng có những đột phá mới khi Chính phủ đã giao cho các bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình trong quý II/2022; tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn.
- Cơ hội đến từ thị trường: chúng ta cũng tham gia hội nhập quốc tế, ký nhiều các Hiệp định FTA, một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu, nhưng xuất khẩu phải bảo đảm xanh. Đây là yêu cầu khắt khe của thế giới. Các nước đều hướng đến tăng trưởng xanh, Việt Nam nếu không có tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, bảo đảm đời sống nhân dân thì rất khó hội nhập; do đó, hiện nay Việt Nam đã và đang tập trung phát triển các nội dung về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số
Riêng đối với Bình Dương, Với diện tích 2.694,64 km2, Bình Dương hiện đứng thứ 2 của cả nước về thu hút đầu tư FDI gồm 4.000 dự án đến từ 65 quốc gia và Vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 40 tỷ USD. Bên cạnh đó tỉnh cũng đứng thứ 3 của cả nước về số lượng doanh nghiệp với trên 65.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập tổng vốn hơn 700.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng có số lượng khu, cụm công nghiệp nhiều nhất của cả nước với 29 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 12.663 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 92,2%; 09 CCN với tổng diện tích 592,7 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đi vào hoạt động khoảng 66,6%. Bình Dương được xem là một trong những thủ phủ sản xuất công nghiệp của cả nước khi cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Từ tiềm lực sản xuất công nghiệp nằm trong top đầu của cả nước nêu trên và với dân số gần 2,8 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước trên 84% thì quản lý môi trường đang trở thành vấn đề quan trọng, cấp bách của tỉnh Bình Dương.
- Theo thống kê hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.400 tấn/ngày (877.409,86 tấn/năm), trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 802,977.88 tấn/năm, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn khoảng 74,431.98 tấn/năm. Theo số liệu thống kê tại các báo cáo công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp thì tổng khối lượng CTRCNTT phát sinh trên địa bàn tỉnh là 788.401 tấn/năm (trong đó khối lượng được thu gom để tái sử dụng, tái chế là 630.721 tấn (chiếm 80%), khối lượng CTRCNTT được tiêu hủy là 157.680 (chiếm 20%)).
Hiện nay Tỉnh đang lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, việc phát triển và định hướng trong công tác quản lý thu gom và tái chế rác thải theo quan điểm: (1) Quản lý chất thải rắn được thực hiện liên vùng, liên ngành; đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và gắn với các quy hoạch của tỉnh; (2) Chất thải rắn phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh; (3) Đầu tư hệ thống quản lý chất thải rắn đồng bộ, bao gồm xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn; công tác thu gom, vận chuyển trên cơ sở công nghệ phù hợp. Thực hiện đầu tư cho quản lý chất thải rắn phải có trọng tâm, trọng điểm và theo lộ trình phù hợp.
Cho đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh Bình Dương chỉ có Dự án xử lý, tái chế chất thải rắn Nam Bình Dương với quy mô 100 ha và 08 cơ sở xử lý chất thải nguy hại như vậy là quá ít đối với tốc độ tăng trưởng về công nghiệp, dịch vụ, sự gia tăng dân số của tỉnh.
Luật PPP và Nghị định 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ ra đời cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế theo xu hướng của thời đại thì hiện nay, cơ hội rất lớn cho khu vực tư nhân có thể tham gia vào tất cả các bước trong chuỗi giá trị của lĩnh vực xử lý chất thải rắn, từ việc thu gom, phân loại, lấp hoặc ủ phân hay cao hơn là tái chế, sản xuất năng lượng tái tạo.
Khung pháp lý PPP đã có nhưng thành công hay không thì cần giải quyết một trong vấn đề quan trọng là văn bản hướng dẫn và mẫu hợp đồng phù hợp thực tiễn, đảm bảo sự an toàn và bền vững của các đối tác trong mối quan hệ này, để PPP không chỉ là một phương thức huy động vốn mà còn hội tụ được sức sáng tạo, trí tuệ của khu vực tư nhân. Một số thách thức đặt ra cho mô hình mô hình hợp tác công tư (PPP) cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và tham gia vào chuỗi giá trị của kinh tế tuần hoàn:
- Hiện giá dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn còn thấp trong khi chi phí vận hành bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao, liên tục; UBND tỉnh đã ban hành định mức tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ năm 2016 và phê duyệt đơn giá xử lý từ năm 2017. Với mức giá này, tính cho giai đoạn hiện nay thì cũng gây e ngại cho nhà đầu tư đối với lĩnh vực này. Ngoài ra, hiện nay giá thu gom rác thải sinh hoạt ở những hộ gia đình là mức chung, điều này dẫn đến chi phí thực tế cho việc thu gom và xử lý đối với từng hộ là khác nhau (do mỗi gia đình sẽ phát thải với số lượng rác khác nhau). Do đó, gây hạn chế quyền cho nhà đầu tư trong công tác tự định giá thu gom, xử lý chất thải.
- Cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể tạo môi trường thông thoáng và an toàn cho các nhà đầu tư... Cụ thể như Luật PPP 2020 quy định "thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải là ngành nghề được ưu đãi đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đưa xử lý nước thải, chất thải là các hoạt động đầu tư kinh doanh về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đại hỗ trợ, nhưng đến đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể áp dụng.
- Đến nay vẫn chưa rõ đơn vị nào xây dựng thông tư về hợp đồng thực hiện PPP trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn. Đặc biệt là lĩnh vực xử lý rác thải có tính đặc thù như giá xử lý, công nghệ, người thẩm định công nghệ. Những quy định này là cơ sở để xác định tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư.
- Công tác dự báo và xây dựng cấu trúc hợp đồng PPP theo thực tế đó là thách thức do thu từ người dân và sản phẩm tái chế không đủ bù đắp chi phí nên nhà đầu tư thường yêu cầu nhà nước trợ cấp chi phí; nguồn cung không chắc chắn do nhiều yếu tố tác động như ý thức người dân (ví dụ khi họ không tuân thủ quy định, dẫn đến khối lượng rác không như dự kiến;
- Ngoài ra, thách thức tài chính khi triển khai các dự án quản lý chất thải hiện đại, đòi hỏi đầu tư lớn ban đầu. Hoặc có thể phải thay đổi văn hóa tổ chức để thích ứng với mô hình kinh tế tuần hoàn… cũng là những thách thức mà khối doanh nghiệp sẽ gặp phải.
Các Bộ, ngành sớm ban hành các hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.
Thanh Huy