Tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001, những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng thực hiện
Tiêu chuẩn ISO 9001 thuộc Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 là hệ tiêu chuẩn quốc tế, xác lập các nguyên tắc và yêu cầu cho việc xây dựng Hệ thống Quản lý Chất lượng (QMS) do Tổ chức ISO ban hành. Tiêu chuẩn này nhằm mục đích duy trì sự ổn định, tiến tới cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ trong các cơ quan, tổ chức.
Tại Việt Nam, việc triển khai bộ tiêu chuẩn ISO 9000 trong hoạt động hành chính bắt đầu từ năm 2006 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg, quy định áp dụng Hệ thống Quản lý Chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 trong các cơ quan nhà nước. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, tăng cường hệ thống hóa quy trình xử lý công việc, đảm bảo tính khoa học và hiện đại.
Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, Lãnh đạo Sở đã chủ trương quán triệt việc áp dụng tiêu chuẩn ISO vào thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và dịch vụ công. Để công tác này đạt được hiệu quả, Sở đã thành lập Ban Chỉ đạo ISO gồm Trưởng ban là Giám đốc sở và các thành viên là lãnh đạo các phòng chuyên môn. Kết quả đạt được, đến nay trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao các phòng chuyên môn đều xây dựng quy trình thủ tục hành chính nội bộ, thường xuyên rà soát, cập nhật điều chỉnh theo quy định. Ngoài ra, Sở cũng tạo điều kiện để công chức, viên chức và người lao động tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thực hiện và duy trì hệ thống, một số khoá học đã tham gia như:
- Kỹ năng xem xét, phân tích bối cảnh, nhận diện và đánh giá rủi ro theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động quản lý hành chính;
- Kỹ năng đánh giá nội bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động quản lý hành chính;
- Kỹ năng kiểm tra việc áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động quản lý hành chính;
- Hướng dẫn áp dụng TCVN ISO 9001 tại chính quyền địa phương thông qua tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 : nhận thức, công cụ đánh giá quản lý chất lượng tổng thể cho chính quyền địa phương: 39 chỉ số quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 18091:2020.
Bà Hoàng Thị Thanh Tuyền - chuyên gia đào tạo của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 trình bày tại khóa đào tạo về đánh giá nội bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động quản lý hành chính
Việc áp dụng Hệ thống Quản lý Chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 trong hoạt động hành chính góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, khắc phục các hạn chế tồn tại trong thủ tục hành chính như sự phức tạp và kéo dài của các quy trình; giảm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của các cán bộ, công chức, viên chức; cải thiện mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, quá trình xây dựng, triển khai và duy trì Hệ thống Quản lý Chất lượng tại các cơ quan hành chính nhà nước cũng đối mặt với một số khó khăn như: cần chi phí, thời gian và nguồn lực đáng kể cho công tác thiết lập, vận hành và liên tục cải tiến; yêu cầu quyết tâm cao từ lãnh đạo và sự đồng lòng của cán bộ, công chức, viên chức. Việc chuẩn hóa và văn bản hóa quy trình làm tăng khối lượng công việc cho các cán bộ liên quan do phải đảm bảo cải tiến không ngừng chất lượng hoạt động hành chính. Đồng thời, khi các quy trình được áp dụng sẽ làm thay đổi thói quen, lề lối làm việc đã tồn tại trong thời gian dài.
Để khắc phục các khó khăn nêu trên, một số giải pháp có thể xem xét áp dụng như: bố trí ngân sách phù hợp trong việc đầu tư công nghệ thông tin và phần mềm hỗ trợ quản lý để giảm bớt công việc mang tính chất thủ công; tổ chức các khóa đào tạo và nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về lợi ích, vai trò của ISO 9001, qua đó phát triển kỹ năng quản lý chất lượng và chuẩn hóa quy trình; phối hợp với các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ công tác áp dụng, duy trì và phát triển hệ thống quản lý chất lượng một cách hiệu quả. Ngoài ra, cần có sự ghi nhận và khen thưởng từ lãnh đạo cơ quan đối với các công chức, viên chức và người lao động có sáng kiến cải tiến nhằm thúc đẩy, động viên các cá nhân phát huy năng lực, chủ động, sáng tạo và gắn bó với hệ thống.
Để thúc đẩy hơn nữa công tác cải cách hành chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả Hệ thống Quản lý Chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, thân thiện, trách nhiệm và hiệu quả, phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính mà tỉnh đã đề ra./.
Thảo Nhi