Công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh năm 2024
Sở Kế hoạch và Đầu tư có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư gồm: tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thực hiện và đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa phương; tham mưu các dự án nhà ở có chuyển mục đích sử dụng đất; tham mưu chủ trương đầu tư về kinh doanh xăng dầu, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; đấu thầu; đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân; tổ chức cung ứng các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp:
Về đăng ký doanh nghiệp trong nước: Tính từ đầu năm đến 30/11/2024, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 77.415 tỷ đồng, gồm: 7.757 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký là 48.748 tỷ đồng (tăng 20,1% về số lượng và tăng 1,7% về số vốn so với cùng kỳ); 1.419 doanh nghiệp điều chỉnh tăng 38.090 tỷ đồng (giảm 7,7% về số lượng và giảm 14% về số vốn so với cùng kỳ); Có 142 doanh nghiệp điều chỉnh giảm 5.849,2 tỷ đồng (tăng 46,4% về số lượng và tăng 4,4% về số vốn so với cùng kỳ); Số doanh nghiệp giải thể là 655 doanh nghiệp với số vốn giải thể là 3.574 tỷ đồng (tăng 6,9% về số lượng nhưng giảm 25,3% số vốn giải thể so với cùng kỳ). - Lũy kế đến 30/11/2024, toàn tỉnh có 73.201 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với số vốn đăng ký là 804.172,2 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Tính từ đầu năm đến 30/11/2024, đã đăng ký cho 146 doanh nghiệp FDI thành lập mới với số vốn đăng ký là 7.092 tỷ đồng (tăng 82,5% về số doanh nghiệp nhưng giảm 27,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ); đăng ký tăng vốn cho 223 doanh nghiệp với số vốn tăng thêm là 22.104,5 tỷ đồng (tăng 3,2% về số lượng nhưng giảm 32,6% về số vốn so với cùng kỳ); đăng ký giảm vốn cho 26 doanh nghiệp với số vốn giảm là 1.512 tỷ đồng (giảm 35% về số lượng nhưng tăng 12,7% về số vốn so với cùng kỳ); đăng ký giải thể cho 10 doanh nghiệp với số vốn giải thể là 780 tỷ đồng (bằng nhau về số lượng và tăng 121,5% về số vốn so với cùng kỳ); thực hiện thủ tục cấp đổi nội dung đăng ký kinh doanh trên giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư và cấp giấy chứng đăng ký doanh nghiệp cho 11 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký là 753 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh có 3.261 doanh nghiệp FDI đăng ký hoạt động với số vốn đăng ký là 386.271 tỷ đồng.
Từ kết quả về đăng ký doanh nghiệp và thu hút đầu tư cho thấy Bình Dương đã và đang là môi trường đầu tư lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, dòng vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động; tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; hỗ trợ cán cân thanh toán và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Để đạt được những kết quả trên, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở ngành liên quan đã luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư, luôn lắng nghe và trân trọng ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các hiệp hội đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng của các nhà đầu tư đối với tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng sự phối hợp của các Sở, ban, ngành và các cấp phối hợp giám sát hiệu quả giữa các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh.
Cụ thể UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 27/4/2018 Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập và được sửa đổi, điều chỉnh tại Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND ngày 31/01/2023 đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tiễn phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, định kỳ hàng tháng, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh sách doanh nghiệp thành lập mới, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, giải thể, tạm ngưng; doanh nghiệp đã đăng ký có ngành nghề kinh doanh bất động sản, sản xuất, gia công, chế biến, rác thải, phế liệu; doanh nghiệp có mức độ đánh giá rủi ro cao gửi cho các Sở, ngành, địa phương để tăng cường phối hợp quản lý nhà nước sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chuyên ngành, lĩnh vực. Trong đó, đối với doanh nghiệp đăng ký ngành nghề dịch vụ cầm đồ, Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn gửi thông tin cho cơ quan công an và các địa phương để tăng cường phối hợp quản lý về an ninh trật tự.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp khi có các dấu hiệu vi phạm, cung cấp danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến trên địa bàn tỉnh; rà soát các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn hoặc tình trạng “vốn mỏng”, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; các trường hợp nghi vấn cá nhân, tổ chức người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài mua nhà, nhận chuyển nhượng đất, thuê đất, thuê nhà xưởng nhằm lách luật gây thiệt hại kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bám sát tình hình hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn đảm bảo tuân thủ pháp luật, khi có dấu hiệu bất thường phối hợp với cơ quan Công an để xử lý ngăn chặn không để ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này như sau:
Thứ nhất, về nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân, tổ chức chưa cao, theo Điều 6 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ quy định: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải là giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cách hiểu về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngay cả đối với một số cơ quan Nhà nước, nhiều doanh nghiệp và người dân còn chưa đúng. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhiều khi vẫn được coi như là một loại giấy phép, nhà đầu tư/doanh nghiệp sau khi được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp là đi vào hoạt động kinh doanh mà triển khai các thủ tục liên quan, không tuân thủ các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục tối đa quyền tự do kinh doanh, tự do cam kết của doanh nghiệp, nhà đầu tư (như việc không ghi ngành nghề kinh doanh, tự do sử dụng con dấu, doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật...) là những mặt tích cực nhưng cũng mang lại các hệ lụy là số doanh nghiệp vi phạm sẽ tăng thêm, tranh chấp doanh nghiệp ngày càng nhiều...
Thứ hai, về công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp: Công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập đã chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Tuy nhiên, khung pháp lý về công tác “hậu kiểm” hiện nay còn nhiều bất cập, chưa có sự phân định rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng; cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về doanh nghiệp, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế.
Công tác phối hợp quản lý Nhà nước đối với doanh nhiệp sau đăng ký chưa đạt hiệu quả cao, đôi khi còn lúng túng. Việc quản lý hầu như chỉ được thực hiện riêng lẻ, chưa thật sự có sự phối hợp, kiểm tra giữa các cơ quan. Các cơ quan thực hiện kiểm tra, nhưng kết quả kiểm tra chưa được công khai kịp thời, không thông tin đến các cơ quan phối hợp, quản lý doanh nghiệp dẫn đến không đồng nhất trạng thái của doanh nghiệp.
Thứ ba, pháp luật chưa quy định cụ thể trong việc chế tài các trường hợp đánh cắp thông tin cá nhân để thành lập doanh nghiệp hay một cá nhân thành lập nhiều doanh nghiệp:
Thực tế thời gian gần đây, người dân phản ánh bị lấy thông tin cá nhân, giấy tờ chứng thực cá nhân của cá nhân để đăng ký thành lập, thay đổi thông tin về người thành lập, quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có công cụ để xác thực việc đăng ký doanh nghiệp có đúng người thành lập, quản lý doanh nghiệp thực hiện hay không.
Các đối tượng lợi dụng quy định “thông thoáng” trong đăng ký doanh nghiệp về việc “tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp” kê khai vốn điều lệ rất lớn; đăng ký tổ chức, cá nhân không có quyền tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng không có cơ sở để phát hiện khi giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp; một cá nhân đăng ký thành lập nhiều công ty; thuê cá nhân đứng tên đăng ký thành lập công ty … nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh việc chịu trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự… đối với hành vi mình gây ra.”
- Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế lớn, số tiền nợ đọng thuế cao; chưa có quy định cụ thể xử lý doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng không giải thể; chưa có quy định xử lý người thành lập doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thuế; việc xử lý các vi phạm về thuế, về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm. Thêm vào đó, số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp ngày càng tăng mà nguồn nhân lực có hạn không được tăng thêm, thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp ngắn, vì vậy, nguồn lực cho công tác hậu kiểm doanh nghiệp sau đăng ký thành lập còn rất hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao.
Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương
Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Điều 7
và Phụ lục IV của Luật Đầu tư
Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được đăng tải tại Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại đề xuất và kiến nghị một số giải pháp như sau:
Một là, các Sở, ngành, các địa phương thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, chủ động trong xây dựng phương án, công cụ trao đổi thông tin doanh nghiệp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế và các cơ quan đầu mối thông tin doanh nghiệp khác để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước. Ðồng thời, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp, phối hợp cung cấp, công khai thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Ngoài ra, bản thân doanh nhân, doanh nghiệp tích cực, nâng cao ý thức tìm hiểu các quy định trước khi thành lập, đăng ký ngành nghề dự kiến sẽ kinh doanh có thuộc trường hợp ngành nghề có điều kiện hay không nhằm tuân thủ pháp luật và cũng tránh trường hợp bị phạt oan.
Hai là, về công tác phối hợp: thực hiện phối hợp thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh đảm bảo hiệu quả, có biện pháp giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh, khuyến khích họ lập nghiệp; kiểm tra chất lượng, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp ra thị trường, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Luôn chú trọng thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế, gắn với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế. Đảm bảo giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, hội nghị, hội thảo với các hiệp hội đầu tư, hiệp hội ngành hàng, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước. Triển khai thực hiện các giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Ba là, tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhằm hoàn thiện khung pháp lý và một số nội dung cụ thể:
Sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP nội dung Quy định về việc xác thực điện tử của người thành lập, quản lý doanh nghiệp khi đăng ký thành lập, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) để xử lý triệt để việc lấy thông tin, giấy tờ chứng thực cá nhân của người khác để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp; quy định trách nhiệm pháp lý và chế tài đối với người nhận ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong việc lấy thông tin, giấy tờ chứng thực cá nhân của người khác để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP nội dung quy định hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh của người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh, người được ủy quyền sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh của người ủy quyền để thực hiện việc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP Quy định việc xác thực người đăng ký là chủ doanh nghiệp, đại diện pháp của doanh nghiệp (cụ thể quy định cách thức xác thực, kiến nghị đồng thời thiết lập tự động trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).
Bốn là, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm xem xét, sắp xếp, bổ sung đủ nhân sự phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu sai phạm, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, hạn chế phản ánh, kiến nghị, tham gia tốt vào nhiệm vụ phối hợp thực hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Doanh nghiệp, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục kiến nghị, góp ý chỉnh sửa, bổ sung các quy định cần thiết nêu trên.
Tư Võ