TỔNG KẾT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 10/01/2022 CỦA CHÍNH PHỦ NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Ngày 21/02/2022, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ tại Kế hoạch số 728/KH-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2022.
Kết quả đạt được
Một là, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh
- Tiếp tục thực hiện cam kết thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập mới trong thời gian tối đa 2 ngày làm việc. Tiếp tục triển khai Nghị định 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
- Tính đến ngày 22/11/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 1.324.974 thẻ CCCD được tích hợp với thẻ BHYT; 177/178 (gần 100%) cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp (do có 01 cơ sở chuyển sang điều trị Covid, không nhận KCB ngoại trú) với 97.655/130.658 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT.
- Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay; tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nỗ lực tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; đưa ra sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với nhu cầu doanh nghiệp.
- Về tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và xúc tiến đầu tư mở rộng xuất khẩu hàng hóa:
+ Xúc tiến đầu tư, thương mại: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp xây dựng và đưa vào vận hành Sàn thương mại điện tử Bình Dương với tên miền https://binhduongtrade.vn hoạt động theo mô hình B2B[1]. Sàn thương mại điện tử đã có 328 doanh nghiêp tham gia, với hơn 1950 sản phẩm được giao dịch trên sàn.
+ Chương trình khuyến công: Bám sát các chương trình khuyến công đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 1811/QĐ-UBND ngày 15/7/2021 và Quyết định 855/QĐ-UBND ngày 08/4/2022 và sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình Khuyến công năm 2022.
- Đơn giản hóa Thủ tục Xác nhận Bảng kê lâm sản, cụ thể về thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã đề nghị cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ “Xác nhận Bảng kê lâm sản” quy định từ 10 ngày làm việc giảm xuống còn 07 ngày làm việc (giảm 03 ngày làm việc).
- Đến ngày 30/11/2022, Điện lực Bình Dương (PCBD) đã giải quyết cấp điện 786 khách hàng với thời gian giải quyết trung bình là 2,88 ngày/khách hàng. Ước trong năm 2022, PCBD giải quyết cấp điện cho 820 khách hàng mua điện trung áp, với thời gian giải quyết trung bình là 2,9 ngày/khách hàng, tất cả khách hàng được giải quyết đúng thời gian theo quy định (dưới 7 ngày làm việc).
Hai là, tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh
- Ban hành Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 12/4/2022 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý doanh nghiệp và các hoạt động nghiệp vụ hải quan, phân tích hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua các thị trường, phân tích số liệu (số tờ khai XNK, kim ngạch, số thuế) và các biểu đồ XNK của doanh nghiệp XNK giúp cán bộ, công chức (CBCC) phân tích, đánh giá hoạt động XNK của doanh nghiệp. Việc ứng dụng phần mềm này nhằm hỗ trợ công chức trong công tác quản lý doanh nghiệp được hiệu quả.
- PCBD đã thực hiện niêm yết công khai và tổ chức thực hiện đúng trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp điện. Việc theo dõi tiến độ cấp điện mới cho khách hàng cũng được PCBD thực hiện thường xuyên thông qua chương trình dịch vụ khách hàng và kiểm tra thực tế.
Ba là, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và thanh toán không dùng tiền mặt
- Tính đến 31/11/2022, tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh là 1.944 thủ tục[2]; trong đó, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 1.159 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (giảm 10 dịch vụ so với cuối năm 2021), trong đó mức độ 3 có 144 dịch vụ (giảm 02 dịch vụ, tương ứng giảm 1,37%), mức độ 4 có 1.015 dịch vụ (giảm 08 dịch vụ, tương ứng giảm 0,78%). Trong năm, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết mức độ 3, mức độ 4 là 707.970 hồ sơ; trong đó, hồ sơ phát sinh mức độ 3 là 447.047 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 63%), mức độ 4 là 260.923 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 37%);
- Duy trì và phát triển có hiệu quả đề án thu thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7, thực hiện Đề án phối hợp thu ngan sách nhà nước, bảo lãnh thuế với các ngân hàng thương mại bằng phương thức điện tử (E-Payment). Thực hiện công tác phối kết hợp giữa Cục Hải quan tỉnh với các đơn vị kho bạc - ngân hàng tại Bình Dương trong việc thu nộp thuế qua ngân hàng, thu nộp điện tử (E-Payment) và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp liên quan đến thu nộp, hoàn, miễn, giảm tiền thuế.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt qua website cskh.evnspc.vn, website các ngân hàng, các ứng dụng ví điện tử Momo, Ví Việt, Payoo, Air pay, Zalopay, Vimo, thanh toán tự động qua các ngân hàng, SMS & Mobile Banking... trả lương qua tài khoản đối với những đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước; trong đó, tổng số tổ chức tín dụng, công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn đến thời điểm báo cáo là 79 đơn vị [3] và có mạng lưới của 185 Phòng giao dịch và 801 máy ATM.
Bốn là, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
- Đăng cai tổ chức thành công Ngày Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2022 (Techfest Vietnam 2022), thông qua sự kiện đã tổ chức các diễn đàn, hội nghị nhằm thảo luận, chia sẻ chính sách, kinh nghiệm về phát triển công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của các chuyên gia trong và ngoài nước.
- Tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” và Sự kiện Vinh danh Top 7 Diễn đàn cộng đồng thông minh Thế giới ICF [4].
Một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình triển khai và thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới:
1. Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh
- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, cấp huyện, đường dây nóng 1022 và các kênh thông tin khác.
- Tiếp tục rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc chuyên môn, thực hiện việc kết nối liên thông Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến liên hệ giải quyết công việc có liên quan;
- Đẩy mạnh cơ chế giám sát quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP;
2. Tiếp tục cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.
- Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Khai thác, vận hành ổn định và sử dụng có hiệu quả các phiên bản của Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, đồng thời ứng dụng tốt các chương trình vệ tinh kết nối Hệ thống VANCCS. Ứng dụng các tiện ích cơ chế một cửa quốc gia và các chương trình ứng dụng trong hoạt động quản lý nhà nước về hải quan theo lộ trình của Tổng cục Hải quan.
3. Đẩy mạnh cải cách về đăng ký tài sản và đổi mới quản lý hành chính đất đai
- Giảm thời gian đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản; đơn giản hóa nội dung hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.
- Thường xuyên tham mưu trả lời các câu hỏi của các tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin nội dung liên quan trong lĩnh vực đất đai bằng nhiều hình thức khác nhau: chuyên mục hỏi đáp trên Cổng thông tin điện tử, đường dây nóng, hộp thư công vụ, công văn đến, điện thoại, tư vấn trực tiếp…
4. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số
- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp để tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Triển khai mở rộng ứng dụng dịch vụ thuế điện tử, các dịch vụ công điện tử để hỗ trợ người nộp thuế. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, tiền thu từ phí, lệ phí; liên thông trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.
5. Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
- Tăng cường tuyên truyền, sửa đổi các quy định có liên quan và có các giải pháp để cá nhân tiếp cận và nộp các hồ sơ trên Dịch vụ công thuận lợi trong thời gian tới, góp phần tăng tỷ lệ hồ sơ hợp lệ đối với các hồ sơ nộp qua Dịch vụ công trực tuyến.
- Thường xuyên rà soát, cập nhật, thống kê TTHC mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị hủy bỏ, bãi bỏ được Bộ trưởng công bố để kịp thời dự thảo quyết định công bố theo đúng quy định. Kịp thời trình phê duyệt quy trình nội bộ và tổ chức thực thi các TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố.
- Thực hiện việc niêm yết, công khai minh bạch 100% TTHC của các ngành bằng nhiều hình thức cụ thể, thích hợp theo đúng quy định; thường xuyên theo dõi, kiểm tra và đề ra giải pháp cải tiến việc công khai TTHC, đảm bảo thuận lợi, dễ dàng cho người dân khi tiếp cận TTHC.
6. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực chất, vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng; khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững
- Thực hiện có hiệu quả "Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững" của Liên hợp quốc; triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, thường xuyên đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 1847/KH-UBND ngày 04/05/2018 về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020 và Kế hoạch số 1477/KH-UBND ngày 12/04/2018 về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Phát triển và nâng cấp các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập hoặc tham gia thành lập theo hình thức đối tác công tư các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung.
- Triển khai chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất, sở hữu trí tuệ, ứng dụng công nghệ 4.0, xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm công nghệ, vườn ươm, fablab tại các trường đại học và khu vực Thành phố Mới. Khởi động đề án Thành phố Thông minh 2022-2026, đẩy mạnh liên kết quốc tế, sự kiện, giải thưởng về khoa học công nghệ, công nghệ 4.0, chuyển đổi số.
7. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19
- Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và và triển khai thực hiện kế hoạch số 6464/KH-UBND ngày 14/12/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19; tổ chức đối thoại với Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
8. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
- Tiếp tục kết hợp tốt hoạt động Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại Nhân dân, chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác song phương và đa phương; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.
- Tăng cường kết nối hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp trong nước.
- Tham gia các diễn đàn kết nối tiêu thụ 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình kết nối cung - cầu của tỉnh, thành phố, xúc tiến thương mai các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm VietGAP[5], sản phẩm OCOP[6].
9. Thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
- Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 107/2021/NQ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cấp tỉnh từ ngày 01/06/2022, tại Bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022 theo đúng quy định.
- Triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS, PCI…, gắn với nâng cao nhận thức và quyết tâm trong hành động của các cấp chính quyền trong công tác cải cách hành chính.
Mai Hương
[1] Mô hình B2B (Business To Business): được dùng để chỉ hình thức kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.
[2] Cấp tỉnh: 1.499 TTHC; cấp huyện: 245 TTHC; cấp xã: 122 TTHC; TTHC áp dụng chung: 07 TTHC; TTHC đặc thù: 32 TTHC (cấp tỉnh: 16 TTHC, cấp huyện: 12 TTHC và cấp xã: 04 TTHC); TTHC đơn vị khác: 39 TTHC
[3] 17 Chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) có vốn nhà nước chi phối, 34 Chi nhánh TCTD cổ phần, 01 Chi nhánh TCTD liên doanh, 06 Chi nhánh TCTD 100% vốn nước ngoài, 01 Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 10 Quỹ tín dụng nhân dân, 01 Ngân hàng chính sách xã hội, 01 Ngân hàng phát triển khu vực, 05 Văn phòng đại diện công ty tài chính, 01 Chi nhánh công ty tài chính, 02 Chi nhánh Tổ chức tài chính vi mô.
[4] Bình Dương lần thứ 2 Top 7 chiến lược phát triển thành phố thông minh của ICF.
[5] Toàn tỉnh có 281 cá nhân, tổ chức áp dụng VietGAP, trong đó, chăn nuôi 149 hộ và trồng trọt 138 hộ.
[6] Toàn tỉnh có 47 sản phẩm.