Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI
Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp, thu hút đông đảo nguồn lao động từ các tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, số học sinh các cấp học tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng hơn 20.000 học sinh.
Tính đến đầu năm học 2022-2023, tổng số trẻ, học sinh, học viên các cấp học từ Mầm non (MN) đến Trung học phổ thông (THPT) toàn tỉnh là 511.953, cụ thể: MN:116.281, Tiểu học (TH): 221.000, Trung học cơ sở (THCS): 127.293, THPT: 38.305, giáo dục thường xuyên (GDTX): 9.074 . Trên địa bàn tỉnh hiện có 08 trường đại học (trong đó có 03 trường ngoài công lập) với tổng số sinh viên là 31.543.
Với phương châm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo và công chức phòng chuyên môn tham gia Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc các Đề án, đóng góp ý kiến xây dựng các Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW như: Đề án củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đề án dạy học song ngữ trong trường THPT chuyên Hùng Vương giai đoạn 2022-2030, Triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh,…
Ngoài ra, nhằm xây dựng các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo toàn diện các cấp trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh lồng ghép các chỉ tiêu lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hàng năm của tỉnh (chỉ tiêu Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, Tỷ lệ trường THPT, THCS có sử dụng sổ liên lạc điện tử, Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo).
Nhận thức được giải pháp “Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo” là một trong 09 nhiệm vụ quan trọng được Ban chấp hành Trung ương Đảng đề cập trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, với quan điểm “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách”, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các trường học bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, bố trí vốn đầu tư công cho các công trình, dự án trường học và trang thiết bị trường học trên địa bàn tỉnh từ nhiều nguồn vốn: ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn xổ số kiến thiết, vốn tỉnh hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh còn phân cấp vốn theo tỷ lệ điều tiết về cho cấp huyện để đầu tư các dự án theo nhu cầu sử dụng của huyện (trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo). Trong giai đoạn 2013-2023, đã bố trí 11.644 tỷ 363 triệu đồng cho các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo và dạy nghề.

Công tác kiên cố hóa trường lớp được quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và bảo đảm phát triển giáo dục bền vững cho địa phương. Đến năm 2022, Tỉnh đã bảo đảm 100% trường học trong tỉnh là công trình kiên cố, trong đó có 315/392 trường, trung tâm công lập được lầu hóa, đạt tỷ lệ 80,35%; 100% trường học có số lượng nhà vệ sinh bảo đảm đáp ứng nhu cầu của trẻ và học sinh; 100% trường MN có công trình vệ sinh đạt chuẩn, trong đó 99,5% cơ sở giáo dục có nhà vệ sinh khép kín; 100% trường phổ thông có nhà vệ sinh đạt chuẩn, trong đó các trường lầu nhà vệ sinh được bố trí theo tầng. Tất cả các trường học có khu vệ nhà vệ sinh nam và nữ riêng và bảo đảm môi trường nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn; 100% trường học trong tỉnh có công trình nước sạch để phục vụ cho các đối tượng và hoạt động của nhà trường.
Ngoài ra, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 23-CTr/TU của Tỉnh ủy về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020, các văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định 59/2014/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Bình Dương như Công văn số 889/UBND-VX ngày 05/3/2019 và Công văn số 3647/UBND-VX ngày 30/7/2020.
Kết quả, từ năm học 2010-2011 đến năm học 2021-2022 toàn tỉnh đã tăng thêm 251 trường tư thục được đầu tư theo chính sách xã hội hóa, trong đó cấp học Mầm non được đầu tư 243 trường với tổng vốn đầu tư khoảng 2.338 tỷ, 13 trường học phổ thông được đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng với tổng vốn đầu tư khoảng 805,5 tỷ đồng. Tổng kinh phí huy động đầu tư trường học theo chính sách xã hội hóa khoảng 2.843,5 tỷ đồng (chưa tính giá trị đất). Lũy kế đến 31/5/2022, ngành giáo dục và đào tạo có 336 trường tư thục, gồm 320 trường MN, 03 trường TH, 04 trường THCS và 09 trường THPT có nhiều cấp học.
Nhìn chung, trong thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, hoạt động giáo dục và đào tạo đã nâng tầm cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Điều đó được thể hiện qua công tác huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là chất lượng giáo dục, các năm học vừa qua số lượng học sinh giỏi quốc gia tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều giải cao; đã có các học sinh của Bình Dương được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn vào đội tuyển tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Đối với Kỳ thi Tốt nghiệp THPT, tỉnh Bình Dương trong những năm gần đây đều đạt được thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, trong thời gian tới, với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo một cách bền vững, khẳng định vị thế của Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương so với các tỉnh, thành phố trong cả nước:
Thứ nhất, Tiếp tục rà soát các nội dung về lĩnh vực giáo dục - đào tạo trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện.
Thứ hai, Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo với phương châm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Thực hiện rà soát, tham mưu bố trí vốn xổ số kiến thiết đúng quy định hướng dẫn tại Tại điểm c, khoản 2, Điều 16 Thông tư số 47/2022/TT-BTC ngày 29/7/2022 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025:“Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết: Các địa phương dự toán sát nguồn thu xổ số kiến thiết (bao gồm cả số thu được phân chia từ hoạt động xổ số điện toán) và tiếp tục sử dụng toàn bộ nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề (bao gồm cả đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông) và lĩnh vực y tế; phần còn lại ưu tiên chi thực hiện các công trình, dự án đầu tư phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, nông thôn mới và các nhiệm vụ đầu tư quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương”.
Thứ ba, Huy động mạnh mẽ sự tham gia đóng góp của các cá nhân, tổ chức xã hội trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết với các cơ sở giáo dục trong nước và ngoài nước nhằm giảm áp lực về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát huy hiệu quả đầu tư.
Thứ tư, Xây dựng Sổ tay hướng dẫn quy trình về đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đầu tư lĩnh vực giáo dục – đào tạo dễ dàng tiếp cận, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư.
Thứ năm, Kiến nghị cấp thẩm quyền có văn bản đề nghị Trung ương hướng dẫn quy định, quy trình tiếp nhận nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất tài trợ trong các trường hợp khác nhau để khai thác tối đa các nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức cho ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Nguồn số liệu: Tham khảo từ báo cáo của UBND tỉnh báo cáo Đoàn Công tác của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các Quyết định giao Kế hoạch đầu tư công từ năm 2013 đến năm 2023.
Nhị Hà