THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN CHÍNH PHỦ VỚI ĐỊA PHƯƠNG VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2023
Ngày 03 tháng 4 năm 2023, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương do ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có hơn 300 đại diện từ các Bộ, ngành, Lãnh đạo địa phương tham dự, nhằm nhìn lại tình hình triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội,… trọng tâm là thảo luận tình hình KTXH tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2023, tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Tại đầu cầu tỉnh Bình Dương, tham dự có bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện Lãnh đạo của các Sở, ban, ngành.
.jpg)
Toàn cảnh phiên họp tại đầu cầu tỉnh Bình Dương
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các Bộ, ngành và địa phương đã kết thúc quý I, bước vào quý II của năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta cần nhìn lại khó khăn, thách thức, tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết các vấn đề tồn đọng; vừa xử lý các vấn đề phát sinh; vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ thường xuyên trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường về cả kinh tế, chính trị, xã hội.
Báo cáo tại phiên họp, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước , là mức tăng cao kỷ lục trong 12 năm qua; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.109 USD. Nhiều chính sách, giải pháp được ban hành, thực hiện kịp thời, đồng bộ nhằm kiểm soát, hạn chế những tác động tiêu cực từ áp lực tăng giá, nhất là giá xăng dầu, lạm phát, đến phát triển KTXH, đời sống người dân ; chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước. Lãi suất điều hành ổn định; tỷ giá diễn biến linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế .
Các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồn (28,6%) so dự toán , cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN năm 2022 khoảng 352,8 nghìn tỷ đồng, bằng 3,71% GDP thực hiện . Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm 2022 đạt 730,2 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 thặng dư 12,4 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư 3,3 tỷ USD của năm 2021.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) Cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.232 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.470 tỷ đồng; (ii) Hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.777 tỷ đồng; (iii) Hỗ trợ 2% lãi suất đạt 134 tỷ đồng; (iv) Giảm thuế, phí, lệ phí là 55.088 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện), hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.
Đối với phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng. Ước thanh toán đến ngày 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88%) nhưng số tuyệt đối cao hơn khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Có 02 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương giải ngân trên 15% kế hoạch ; 48 bộ, cơ quan trung ương, 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước (10,35%), trong đó 30 bộ, cơ quan trung ương giải ngân 0%.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân; kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân chuẩn bị và đón Tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, mọi nhà đều có Tết. Ước tính kinh phí trợ giúp tết của 63 địa phương là khoảng 9.500 tỷ đồng; xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo cứu trợ, cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Kết thúc phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình, nhất là những vấn đề mới nổi lên, các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình thực tế, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cao để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đạt kết quả tốt nhất, đồng thời tập trung đánh giá khách quan về kết quả, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện, nỗ lực khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuyên truyền về các nhiệm vụ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch.


Ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Nguồn ảnh: VOV
Mai Hương