PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 01 NĂM 2023 TRỰC TUYẾN VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Sáng ngày 02 tháng 02 năm 2023, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2023 với các địa phương do ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có hơn 300 đại diện từ các Bộ, ngành, Lãnh đạo địa phương tham dự, nhằm ánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 02; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại đầu cầu tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện Lãnh đạo của các Sở, ban, ngành.

Toàn cảnh phiên họp tại đầu cầu tỉnh Bình Dương
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, tháng 01/2023 có 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng, nên số ngày làm việc ít hơn, cần tập trung hơn trong công tác quản lý và chỉ đạo điều hành. Bên cạnh đó, tình hình thế giới tháng 01 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội, như khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Báo cáo tại phiên họp, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng 0,52% so với tháng 12/2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực, đến ngày 17/01 tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp Tết Nguyên đán. Thu NSNN tháng 01 đạt 11,3% dự toán; trong đó thu nội địa đạt 12% dự toán (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước). Vốn FDI đăng ký mới có tín hiệu tích cực, tháng 01 đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tháng 01 ước xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 2,5%), loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 4%). Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế tháng 01 đạt trên 870 nghìn lượt người, gấp 44,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Ước tính trong 07 ngày nghỉ Tết, khách du lịch nội địa đạt khoảng 9 triệu lượt khách, tăng khoảng 47,5% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm trước.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1 ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng; song việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm, chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Đối với phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 31/1/2023 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ, nhưng số tuyệt đối cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 23%.
Cùng với đó, an sinh xã hội được bảo đảm; cả nước đón Tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, an ninh, an toàn, mọi nhà đều có Tết. Công tác phòng, chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết bảo đảm. Tình hình an ninh được giữ vững, không có vụ việc phức tạp xảy ra; trật tự, an toàn xã hội tốt hơn so với dịp Tết Nhâm Dần 2022. Trước, trong và sau Tết, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thông tin tuyên truyền được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, vui tươi, phấn khởi. Cả nước thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
Kết thúc phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình, nhất là những vấn đề mới nổi lên, các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình thực tế, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cao để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đạt kết quả tốt nhất, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ bên ngoài, phát huy tối đa mặt mạnh, làm được của năm 2022 và tháng 01/2023, khắc phục khó khăn, thách thức, trên cơ sở đó thúc đẩy, cổ vũ toàn hệ thống các cơ quan hành pháp và cả hệ thống chính trị tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần phục hồi nhanh, phát triển bền vững ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, giải quyết những vấn đề ách tắc, vướng mắc, tháo gỡ những vấn đề mà doanh nghiệp, nhân dân đang gặp khó khăn; đặt nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên họp
Nguồn ảnh: VOV
Mai Hương