HỘI NGHỊ TẬP HUẤN LỒNG GHÉP KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG QUY HOẠCH TỔNG THỂ CẤP TỈNH
Hiện nay, cả nước đang khẩn trương huy động tất cả các nguồn lực và thời gian để tập trung xây dựng quy hoạch các cấp từ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch Vùng đến quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch. Đây là lần đầu tiên cả nước lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành, lĩnh vực trong cùng một bản quy hoạch, nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc cố hữu lâu nay về sự chồng chéo và thiếu tính dự báo của cách làm quy hoạch trước đây.

Hình 1. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trình bày những tiềm năng trong việc đưa kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch tổng thể của địa phương.
Nắm được nhu cầu đó, ngày 01/12/2022, Quỹ Hanns-Seidel (HSF) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lớp tập huấn “Lồng ghép kinh tế tuần hoàn trong quy hoạch tổng thể cấp tỉnh” tại Khu công nghệ phần mềm – Khu đô thị Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Lớp tập huấn đã thu hút được sự quan tâm tham dự của đại diện các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ban, ngành của nhiều địa phương trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bến Tre, An Giang, Phú Thọ...cùng các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Trong khuôn khổ hai ngày của lớp tập huấn, các chuyên gia đến từ Quỹ HSF và Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về kinh tế tuần hòan cũng như ý nghĩa, phương thức vận hành và vai trò của khu vực công trong thực hiện mô hình kinh tế này.

Hình 2. Ông Richard McClellan – Đại điện Quỹ Hanns – Seidel (HSF) trình bày về những kiến thức cơ bản về kinh tế tuần hoàn – ý nghĩa, phương thức vận hành, vai trò của khu vực tư và công.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ các mô hình kiểu mẫu từ những đô thị, thành phố ở các quốc gia có những nét tương đồng với Việt Nam hiện nay đồng thời đi sâu vào những mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực cụ thể mang tính cốt yếu như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, tái chế chất thải, phát thải khí nhà kính,…Đây chính là những nội dung hết sức thực tế cần được nghiên cứu và áp dụng ngay trong quá trình lập quy hoạch tỉnh của tất cả các địa phương trong cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Đây cũng chính là công cụ để ràn buộc các nội dung tích hợp đảm bảo sự phát triển bền vững và đúng định hướng của từng địa phương.
Kết thúc tập huấn, các chuyên gia nhận định đối với Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, khái niệm kinh tế tuần hoàn còn là một nội dung khá mới mẻ và chưa được ứng dụng nhiều trong phát triển kinh tế - xã hội và lồng ghép vào công tác lập quy hoạch, do đó khuyến nghị các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong công tác lập quy hoạch cho thời kỳ trung và dài hạn sắp tới, vì một nền kinh tế phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Mạnh Hùng