Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể - Chìa khóa cho sự phát triển bền vững của Bình Dương trong giai đoạn mới (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) tỉnh Bình Dương đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, quy mô của HTX được thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động của HTX.
Môi trường đầu tư kinh doanh của khu vực HTX được cải thiện rõ rệt; chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX được Trung ương và tỉnh quan tâm dành nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho HTX; chính sách tiếp cận vốn và ưu đãi về tín dụng; hỗ trợ thành lập mới, .... Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho vay ưu đãi tại Quỹ Hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh (đơn vị trực thuộc Liên minh HTX tỉnh) và tại các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh quản lý (Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Quỹ Khoa học công nghệ, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Quỹ Đầu tư phát triển…).
Tính đến ngày 30/6/2022, có 141 tổ hợp tác, với 1.263 thành viên, so với thời điểm năm 2001 giảm 2.973 tổ hợp tác, tương ứng với 47.770 thành viên; tổng vốn hoạt động 39 tỷ 164 triệu đồng, tăng 85% so với thời điểm 31/12/2001; số lượng HTX đến 30/6/2022 là 217 HTX (tăng 162 HTX so với thời điểm 31/12/2001); số HTX ngưng hoạt động 20 HTX; số lượng HTX đã chuyển đổi, giải thể 108 HTX. Số thành viên HTX 46.927 thành viên, tăng 28.093 thành viên so với 31/12/2001 (18.834 thành viên).
Tổng vốn điều lệ HTX là 790 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu bình quân của hợp HTX đạt 5,5 tỷ đồng, tăng 664 tỷ đồng so với 31/12/2001. Tổng doanh thu đạt 1.216 tỷ đồng, tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm 31/12/2001; tổng lợi nhuận 243,2 tỷ đồng, tăng gấp 11,2 lần so với thời điểm 31/12/2001.
Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh cũng như chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, xuất khẩu.
Qua hơn 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng kể như:
- 100% HTX đã chuyển đổi hình thức tổ chức và hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2012, có 70% số HTX đã tổ chức hoạt động hiệu quả theo mô hình HTX kiểu mới, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, trong chuỗi giá trị sản phẩm, HTX tham gia vào khâu canh tác, sản xuất hàng hóa và làm tốt khâu dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, trong đó trên 50% số lượng HTX làm tốt khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, bao tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
- Việc các HTX thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với hoạt động theo mô hình truyền thống; doanh thu, chia lợi ích của HTX đối với thành viên, tài sản không chia, lợi ích khác mang lại cho thành viên ngày càng được nâng lên.
- Các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong quản trị điều hành, sản xuất của HTX được HĐQT quan tâm và sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước giúp cho HTX xây dựng dụng các mô hình áp dụng trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt tính minh bạch trong kết quả sản xuất kinh doanh của HTX.
- HTX là cầu nối cho việc tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho thành viên, tăng thu nhập, góp phần ổn định sản xuất và phát triển kinh tế hộ của thành viên; thực hiện tốt việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, Trung tâm thương mại, các doanh nghiệp bán lẻ,... Một số HTX đã và đang áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, hữu cơ) và đầu tư máy móc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: sử dụng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt,... chủ động đổi mới công nghệ trong sản xuất, mở rộng sản xuất kinh doanh, tích cực phát triển thêm thị trường; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: xuất khẩu mặt hàng bưởi sang thị trường Singapore; xuất khẩu ổi sang thị trường Nhật, Dubai, Malysia, Campuchia, Lào…
Nhìn chung, KTTT tỉnh Bình Dương đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, quy mô của HTX được thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động của HTX; số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh cũng như chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu…
Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã tham mưu Tỉnh uỷ Bình Dương dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Trong đó đề ra các chính sách, hành động và nhiệm vụ cho tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới như:
1. Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân trong tỉnh, nhận thức đúng, đầy đủ về phát triển KTTT là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Xây dựng các câu lạc bộ, hình thành trung tâm sáng kiến của nông dân để định kỳ sinh hoạt trao đổi, đưa thông tin đến người dân, giúp người dân hiểu, thay đổi nhận thức, tư duy về KTTT, HTX để tập hợp sức mạnh của các hội viên, nâng cao chất lượng KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh.
2. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT
Xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT theo hướng xác định các tổ chức KTTT là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng). Có cơ chế, chính sách đặc thù cho KTTT, với một số chính sách cụ thể:
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực;
- Chính sách đất đai;
- Chính sách tài chính;
- Chính sách tín dụng;
- Chính sách khoa học - công nghệ;
- Chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường;
- Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng;
- Chính sách bảo hiểm xã hội.
3. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT
Các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương nghiên cứu các chính sách để vận dụng phù hợp nhằm tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của KTTT gồm: Nợ tồn đọng kéo dài trong HTX (nợ nhà nước, nợ ngân hàng, nợ các tổ chức kinh tế khác, nợ thành viên, thành viên nợ HTX...); các quan hệ về tài sản của HTX, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai.
4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT
Tăng cường quản lý nhà nước đối với KTTT trên địa bàn tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về KTTT trên địa bàn tỉnh. Tham mưu xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về KTTT tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về KTTT, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý.
5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX tỉnh đối với phát triển KTTT
Củng cố, tăng cường hoạt động của Liên minh HTX tỉnh. Liên minh HTX tỉnh là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức KTTT, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển KTTT, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần KTTT, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát huy vai trò hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách đối với KTTT; nghiên cứu giao Liên minh HTX tỉnh thực hiện một số nội dung dịch vụ công phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Liên minh HTX tỉnh.
Hành động đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới này mang tính thống nhất cao về quan điểm của Nghị quyết số 20 và tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương như:
(1) KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân....; (2) KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX…) trong đó HTX là nòng cốt…; (3) KTTT phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp....; (4) Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;….;(5) Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.…;
Những vấn đề đặt ra để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT là:
Nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành; về nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với KTTT. Có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho KTTT, bảo đảm thống nhất, đồng bộ;
Sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT theo hướng xác định các tổ chức KTTT là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng); có cơ chế, chính sách đặc thù cho KTTT. Tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của KTTT và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của với một số chính sách cụ thể về: phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chinh sách tài chính; chính sách tín dụng; khoa học – công nghệ; …
Chương trình hành động này tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học – công nghệ; tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong giai đoạn mới này Bình Dương sẽ đạt được KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với các thành phần kinh tế khác trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế với nhiều mô hình hợp tác, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, thiết thực trong việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW./.
Minh Vũ