Sau con số kỷ lục hơn 1,4 tỷ đô la Mỹ chảy vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021, dự báo Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế khi là một trong ba trụ cột Tam giác vàng Khởi nghiệp Đông Nam Á với nhiều tiềm năng và lợi thế.
Nhằm cập nhật các xu hướng mới nhất về đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023. Chiều 30/3/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Tạp chí Forbes Việt Nam và Do Ventures phối hợp tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 với chủ đề “Cưỡi trên ngọn sóng số” và công bố “Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ 2023”.
Phát biểu tại diễn đàn, Ông Trần Duy Đông Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh những yếu tố như cạnh tranh địa chính trị, cuộc chiến thương mại giữa cường quốc, cùng tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã khiến vấn đề tự cường trong phát triển sản xuất trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, tự chủ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong đối ngoại và hội nhập quốc tế.
.jpg)
Ông Trần Duy Đông Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn
Ông Trần Duy Đông cho biết thêm: Trong bảng xếp hạng do StartupBlink thực hiện về hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm trước. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển. Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia đổi mới sáng tạo dẫn đầu (Việt Nam đứng thứ 44/132 nước) là một nỗ lực rất lớn.
Còn theo một số chuyên gia, nền kinh tế số của Việt Nam dự đoán sẽ chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025 (ước tính của Google và Temasek). Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực tại Việt Nam vẫn tạo được sức hấp dẫn trong bối cảnh nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm thận trong hơn trong việc lựa chọn dự án để rót vốn.
Cụ thể, có thể kể đến một số lĩnh vực như công nghệ tài chính, thương mại điện tử và các hệ sinh thái xoay quanh thương mại điện tử, logistics… Việt Nam cũng đang ở trong thời kỳ dân số vàng với thị trường tiêu dùng 100 triệu dân, nền kinh tế số phát triển nhanh chóng, hạ tầng Internet phát triển và sự phổ biến của thiết bị cầm tay thông minh… Đồng thời, dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế nhờ lợi thế chiều rộng và chiều sâu thị trường.
.jpg)
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận tại sự kiện
Về phía Ông Nguyễn Đức Long, Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), cũng chỉ ra rằng NIC đã và đang xác định một số nhóm ngành nghề, lĩnh vực nhằm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều nhất trong năng lực có thể như sản xuất thông minh, thành phố thông minh, an ninh mạng, truyền thông số, bán dẫn, công nghệ y tế...
Tuy nhiên, rất khó để lựa chọn ra những nhóm ngành hay nhóm doanh nghiệp nào đó để hỗ trợ nên một trong những vấn đề cốt lõi mà NIC chú trọng hàng đầu là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ nguồn lực con người./.
Quốc Bình