CHUYẾN ĐI VỀ NGUỒN “THEO DẤU CHÂN NGƯỜI’ VÀ LỄ TRƯỞNG THÀNH ĐOÀN CỦA CHI ĐOÀN SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Chào mừng kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), chi đoàn Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã tổ chức chuyến đi về nguồn tại Bến Tre vào ngày 04-05/10/2019
Với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng Đoàn viên thanh niên và góp phần phát huy lòng tự hào về truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ sự hy sinh cao cả và tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng vì độc lập và tự do của dân tộc. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các Đoàn viên thanh niên Chi đoàn; qua đó, tăng cường mối quan hệ gắn bó, tạo điều kiện giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong hoạt động đoàn thể. Chi Đoàn Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã tổ chức chương trình về nguồn với chủ đề “Theo dấu chân Người” và lễ trưởng thành đoàn cho đồng chí Nguyễn Bá Thông và đồng chí Đỗ Mạnh Tiến tại Bến Tre vào ngày 04-05/10/2019.

Khởi đầu trong chuyến “Về nguồn”, đoàn đã đến dâng hoa và thắp hương tại Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa, Huyện Giồng Trôm. Tại đây, đoàn đã thắp hương, tham quan và nghe giới thiệu về cuộc đời, những chiến công hiển hách của cô Ba Định. Một người phụ nữ bản lĩnh, tài ba, gắn liền với huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và “Phong trào Đồng Khởi” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với 6 chữ vàng được Bác Hồ phong tặng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, trong gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước. Nữ tướng tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Tên tuổi của nữ tướng gắn liền với Phong trào Đồng Khởi (17/1/1960) ở Bến Tre, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nữ tướng được Đảng và nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Nữ tướng đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Trong không khí tôn nghiêm, trang trọng, đoàn thành kính dâng hương, mặc niệm tưởng nhớ vị nữ tướng đầu tiên và duy nhất của nước ta, nghe những trang lịch sử kể về cuộc đời, quá trình tham gia cách mạng cũng như sự hy sinh, công lao to lớn mà nữ tướng đã cống hiến hết mình cho cách mạng trong những năm tháng kháng chiến giành lại độc lập dân tộc.

Cũng tại Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, Chi đoàn đã tổ chức lễ trưởng thành Đoàn cho đồng chí Nguyễn Bá Thông và đồng chí Đỗ Mạnh Tiến.

Tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Mạnh Tiến đã đại diện các đoàn viên trưởng thành đòan và xúc động chia sẻ “Việc đứng trong hàng ngũ của Đoàn là vinh dự và là niềm tự hào của các Đoàn viên. Bởi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là nơi tập hợp những thanh niên Việt Nam theo đường lối phấn đấu vì lý tưởng của Đảng. Đoàn là một cánh tay đắc lực của Đảng, là một tổ chức chính trị của những thanh niên ưu tú. Sau nhiều năm gắn bó với các hoạt động của Đoàn đã để lại trong tôi
nhiều ấn tượng khó phai”.

Điểm đến tiếp theo của chương trình là Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại Ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa ngày 16-3-1993. Khánh thành ngày 1-7-2002 với tổng diện tích khu mộ và đền thờ là 13.000m2. Đây là nơi tưởng niệm, tôn kính và giáo dục cho hậu thế về tấm gương sáng của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Ông vừa là thầy thuốc, nhà giáo, lại vừa là nhà thơ. Để lại cho đời nhiều cống hiến và có ảnh hưởng sâu sắc đối với các tầng lớp nhân dân
Ông được nhân dân khâm phục cả về tài năng và ý chí vươn lên, trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Hầu hết các tác phẩm của ông đều viết bằng chữ Nôm với hai giai đoạn trước và sau kháng chiến Nam Kỳ lục tỉnh, thể hiện tính chiến đấu và nỗi lòng trăn trở cho vận mệnh dân tộc, tình yêu thương con người.
Tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc… Tất cả đều toát lên tinh thần chống Pháp và nhà nước phong kiến đương thời, thể hiện ước mơ đất nước được giải phóng và tình yêu với những người dân trước cảnh nhà tan, nước mất. Đánh giá về ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Thơ, văn tế Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước và than khóc những liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật sinh động và não nùng tình cảm của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cầy cuốc, bỗng chốc trở thành những người anh hùng cứu nước”.

Chuyền về nguồn đã để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp trong lòng các đoàn viên Chi đoàn, tạo sự gắn kết và nâng cao ý thức của Đoàn viên về lòng yêu nước.
Thanh Huy