BÌNH DƯƠNG GIAO KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023
Ngày 28/12/2022, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3679/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 về việc giao Kế hoạch đầu tư công năm 2023 vốn ngân sách địa phương. Theo đó, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 vốn ngân sách địa phương của tỉnh là 18.675.439 triệu đồng, gồm (i) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước: 4.563.593 triệu đồng; (ii) Vốn từ nguồn tiền sử dụng đất: 3.500.000 triệu đồng; (iii) Vốn từ nguồn thu xổ số kiến thiết: 1.670.000 triệu đồng; (iv) Vốn từ nguồn tiền sử dụng đất năm 2022: 1.818.000 triệu đồng; (v) Vốn từ nguồn thu xổ số kiến thiết năm 2022: 100.000 triệu đồng; (vi) Vốn từ nguồn vốn bội chi ngân sách địa phương (vốn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ): 306.800 triệu đồng; (vii) Vốn từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất: 6.717.046 triệu đồng.
So với năm 2022, nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho đầu tư công của tỉnh tăng gấp 2,17 lần. Nếu tính cả nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 21.817.939 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Đây là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo hết sức quyết liệt của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trong công tác huy động nguồn lực để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án tạo dư địa phát triển của tỉnh trong thời gian tới như đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một xuống Thuận An,…
Trên cơ sở nguyên tắc và thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã phân bổ Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho 311 dự án với tổng số vốn là 21.817.939 triệu đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương là 3.142.500 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương là 18.675.439 triệu đồng.
Về cơ cấu lĩnh vực đầu tư, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông đi trước một bước với 103 dự án có tổng vốn bố trí là 12.819.221 triệu đồng, chiếm 58,8% tổng kế hoạch vốn năm 2023; tiếp theo là các dự án trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo (86 dự án với tổng vốn 1.569.910 triệu đồng, chiếm 7,2% tổng kế hoạch), các dự án bảo vệ môi trường (10 dự án với tổng vốn 1.407.800 triệu đồng, chiếm 6,45% tổng kế hoạch vốn).
Về giai đoạn thực hiện dự án, tỉnh bố trí 105 dự án chuyển tiếp từ các năm trước với tổng số vốn là 7.176.994 triệu đồng; bố trí 44 dự án khởi công mới với tổng vốn 9.934.579 triệu đồng; 96 dự án nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư với số vốn 71.030 triệu đồng; còn lại là vốn bố trí cho các công trình quyết toán, thiết kế bản vẽ thi công và vốn phân cấp theo tiêu chí cho cấp huyện.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh thường lệ cuối năm 2022, ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh đã cho biết: “Trong năm 2023, Tỉnh sẽ tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp như: Nhanh chóng triển khai các thủ tục thực hiện dự án; tập trung giải ngân vốn các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, và các dự án có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm; thẩm định giá đất kịp thời và hợp lý; chỉ đạo, phối hợp di dời các hạng mục cơ sở hạ tầng (điện, nước, viễn thông,…); chủ động xây dựng khu tái định cư phục vụ cho công tác bồi thường, giải tỏa; rà soát tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân của từng dự án để điều chuyển vốn cho phù hợp; tăng cường trách nhiệm các chủ đầu tư, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương; đề cao công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về đầu tư công, tránh tình trạng gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.”
Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, chúng ta cùng kỳ vọng kế hoạch đầu tư công năm 2023 sẽ sớm về đích thành công, qua đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới./.
Lý Duy