BÌNH DƯƠNG ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025
Kế hoạch đầu tư công được định nghĩa là tập hợp các mục tiêu, định hướng, danh mục dự án đầu tư công, nguồn vốn, phương án phân bổ vốn và giải pháp triển khai thực hiện. Với các nội dung trên, kế hoạch đầu tư công trung hạn được xem là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp điều hành và quản lý nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cả một giai đoạn kéo dài 05 năm.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, ngày 28/12/2022, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3678/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách địa phương. Việc điều chỉnh kế hoạch nhằm phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời bổ sung vốn cho các dự án theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời cắt giảm vốn một số dự án giãn hoãn tiến độ trong giai đoạn 2021-2025. Các nội dung điều chỉnh chủ yếu bao gồm:
(1) Bổ sung 07 dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn là 394 tỷ 200 triệu đồng.
(2) Điều chỉnh bỏ 03 dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số vốn là 30 tỷ đồng.
(3) Điều chỉnh tăng vốn đối với 28 dự án với tổng số vốn tăng là 11.857 tỷ 476 triệu đồng.
(4) Điều chỉnh giảm vốn đối với 02 dự án với tổng số vốn giảm là 377 tỷ 600 triệu đồng.

Dự án cầu bắc qua sông Sài Gòn nối hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh
Do tổng nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho đầu tư giai đoạn 2021-2025 không thay đổi, việc điều chỉnh kế hoạch vốn được thực hiện trên cơ sở cân đối lại giữa các dự án đã được bố trí vốn, đồng thời bổ sung từ nguồn dự phòng kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu đầu tư, tập trung vốn cho các động lực phát triển
Tính cả nguồn vốn ngân sách trung ương đã được giao trước đó, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Bình Dương sau khi điều chỉnh là 81.126.869 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2016-2020. Đợt điều chỉnh kế hoạch lần này đã nâng tổng số dự án đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh lên 490 dự án, giảm 241 dự án so với giai đoạn trước, qua đó đã tăng quy mô đầu tư cho mỗi dự án lên 165.565 triệu đồng/dự án (giai đoạn 2016-2020 là 62.808 triệu đồng/dự án).
Về cơ cấu đầu tư, cụ thể hoá phương châm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó giao thông đi trước một bước, tỉnh đã bố trí 38.245.910 triệu đồng cho 151 dự án giao thông, chiếm 30,8% số dự án và 47,1% tổng vốn đầu tư của tỉnh. Các dự án giao thông trọng điểm được tỉnh tập trung đầu tư mạnh mẽ với kỳ vọng “mở bung” những điểm nghẽn trong kết nối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: dự án đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (đã bố trí 15.615.860 triệu đồng), Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 (2.830.000 triệu đồng), Nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa) (1.400.000 triệu đồng), Xây dựng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (3.598.000 triệu đồng), Xây dựng hầm chui tại nút giao ngã năm Phước Kiến (1.100.000 triệu đồng), Giải phóng mặt bằng đường Thủ Biên - Đất Cuốc (1.000.000 triệu đồng),…
Tại lần điều chỉnh kế hoạch này, UBND tỉnh cũng điều chỉnh danh mục các dự án thành phần của dự án Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương để phù hợp với phương thức đầu tư trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, các tuyến đường ven sông Sài Gòn, nút giao Sóng Thần,… đã được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi/khả thi dự án, làm cơ sở để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư và bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Gắn liền tăng trưởng kinh tế với bảo môi trường
Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, trong thời gian qua tỉnh đã quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho các dự án bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và tập trung thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn các đô thị phía Nam trong đó 02 dự án với quy mô đầu tư rất lớn là Nạo vét, gia cố tuyến Suối Cái từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai (đã bố trí 3.666.790 triệu đồng), Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương (2.156.400 triệu đồng). Tổng số vốn bố trí cho các dự án gắn với bảo vệ môi trường như trên là 6.639.899 triệu đồng, chiếm 8,1% tổng kế hoạch vốn của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục quan tâm, chăm lo cho đời sống của người dân
Tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian qua kéo theo hạ tầng văn hoá – xã hội của tỉnh đã bị quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là đối với các dịch vụ y tế và giáo dục. Bên cạnh đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ trên, tỉnh xác định vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã cơ bản đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế các tuyến trên địa bàn. Sang giai đoạn 2021-2025 tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống các cơ sở giáo dục, qua đó đã bố trí 6.801.793 triệu đồng cho 132 dự án, tăng 1.162.873 triệu đồng so với giai đoạn 2016-2020.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là thách thức lớn nhất
Với phương án phân bổ vốn đầu tư như trên, kỳ vọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, hiệu quả của kế hoạch đầu tư trước hết thể hiện qua số vốn thực tế được giải ngân đưa vào nền kinh tế. Trong năm 2021, do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid-19 đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bao gồm cả lĩnh vực đầu tư công nên giá trị giải ngân chỉ đạt 61,5 % kế hoạch. Năm 2022, tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị và xu hướng lạm phát gia tăng ở phạm vi toàn cầu. Tính đến ngày 15/12/2022, giá trị giải ngân kế hoạch 2022 mới đạt 49,9% kế hoạch. Mặt khác, tổng số vốn kế hoạch đã bố trí trong năm 2021-2022 chỉ chiếm 26,3% kế hoạch giai đoạn 2021-2025, còn lại gần ¾ số vốn còn lại bố trí vào giai đoạn 2023-2025 nên khối lượng công việc phải thực hiện và áp lực giải ngân càng lớn để đạt được như mục tiêu giải ngân kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, các khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp đã được phân tích, nhận diện khá rõ ràng, trong đó nhiều vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để như: (i) sự chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công; (ii) việc phân cấp cho chính quyền địa phương trong giải quyết một số vấn đề liên quan đến đầu tư công còn hạn chế; (iii) vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn nghiêm trọng đối với thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công (theo thống kê các 60% dự án chậm tiến độ do nguyên nhân liên quan đến giải phóng mặt bằng); (iv) công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, năng lực của một số đơn vị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn hạn chế,…
Nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng rất lớn nhưng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước
Theo tính toán, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giai đoạn 2021-2030 tỉnh Bình Dương cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 3.371.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư ngân sách nhà nước chiếm khoảng 8%, tương đương khoảng 270.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công cả giai đoạn 2021-2025 của tỉnh hiện nay chỉ mới cân đối hơn 81.000 tỷ đồng, thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu đầu tư để đạt được các mục tiêu phát triển theo Nghị quyết. Trong điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn hạn chế, trong thời gian tới đòi hỏi phải huy động mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực từ kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, giảm nhanh hơn nữa tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước trong cơ cấu tổng vốn đầu tư.
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Để hoàn thành tốt nhất Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các ngành cần tiếp tục thực hiện các giảp pháp trọng tâm như sau:
Một là, kiến nghị các cơ quan trung ương đẩy mạnh việc sửa đổi các quy định liên quan đến đầu tư công theo hướng tạo sự đồng bộ, thông thoáng, tăng cường phân cấp quản lý, cắt giảm, đơn giản hoá hơn nữa thủ tục hành chính. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý các sai phạm.
Hai là, tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đầu tư công, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, đưa việc hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Ba là, tiếp tục cắt giảm kế hoạch vốn, điều chuyển vốn đối với các dự án không có khả năng triển khai, chậm giải ngân để dành vốn cho các dự án có khả năng triển khai đúng tiến độ, những dự án có khả năng đẩy nhanh tốc độ giải ngân, đảm bảo chất lượng công trình.
Bốn là, rà soát lại các quỹ đất hiện có, chủ động xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn; giải quyết hài hoà lợi ích giữa nhà nước và người dân trong thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Năm là, nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án cũng như nhà thầu xây lắp. Kịp thời điều chỉnh các định mức đơn giá thi công phù hợp với tình hình thực tế. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém.
Lý Duy