BÌNH DƯƠNG ĐẨY MẠNH PHỐI HỢP CÙNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC TỈNH TRONG VÙNG ĐÔNG NAM BỘ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 24-NQ/TW VÀ NGHỊ QUYẾT 31-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Như đã được khẳng định tại báo cáo tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2022, có thể thấy Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Trong đó, vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo…của Thành phố Hồ Chí Minh là không phải bàn cải. Với bề dày lịch sử phát triển và vị trí trung tâm chiến lược của cả vùng khi là một trong những đô thị lớn vào hàng bậc nhất của khu vực Đông Nam Á trên bộ.

Có thể thấy thành phố Hồ Chí Minh sớm đã trở thành một đô thị kinh tế - chính trị quan trọng của cả nước; đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa sự phát triển đến các tỉnh lân cận của cả vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, trong thời gian qua vai trò đầu tàu, dẫn dắt này đối với vùng và cả nước có chiều hướng yếu đi và dần chậm lại, nhiều điểm ngẽn trong kết nối vùng đã cản trở sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả vùng nói chung, đưa cả vùng ngày càng tụt lại phía sau trong bức tranh phát triển chung của cả nước.
Trên cơ sở đó, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa qua là hết sức cần thiết và phù hợp để tháo gỡ những điểm ngẽn, nút thắt, cũng như khơi gợi, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá cho thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Vùng Đông Nam Bộ nói chung trong thời gian tới, qua đó tiếp tục giữ vững vai trò của mình trong thúc đẩy phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Với vị trí, vai trò là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Hồ Chí Minh, trong hơn 25 năm hình thành và phát triển, Bình Dương đã trở thành một đô thị vệ tinh hết sức quan trọng, cùng với Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu lấy thành phố Hồ Chí Minh làm trung tâm đã trở thành tứ giác kinh tế của vùng, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng với lợi thế sát với một siêu đô thị như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đã trở thành một tỉnh phát triển về công nghiệp và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên, sau thời kỳ phát triển nhanh về công nghiệp, cùng với đó là sự gia tăng ngày càng lớn về nhu cầu và khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa của các tỉnh phía Bắc đổ về các cảng biển, sân bay ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu để phục vụ nhu cầu di chuyển và xuất khẩu, phải nhìn nhận rằng hạ tầng kinh tế - xã hội của Bình Dương hiện đang trong tình trạng quá tải, trong đó giao thông và y tế, giáo dục là các lĩnh vực chịu nhiều áp lực nhất.
Với việc lưu lượng ngày càng lớn đổ về một số trục đường bộ huyết mạch như Quốc lộ 13, Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, ĐT 743,…trong khi tính kết nối và đồng bộ với các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường thủy nội địa còn thiếu và yếu đã làm tăng thời gian di chuyển giữa Bình Dương tới các cảng biển và sân bay quốc tế, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, làm giảm lợi thế cạnh tranh của Vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bình Dương nói riêng.
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW và phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW, đẩy mạnh thông thương và kết nối vùng, Bình Dương cùng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng Đông Nam Bộ cần chú trọng thực hiện một số phương hướng, giải pháp như:
Thứ nhất, hành lang Đông Nam Bộ là trục kinh tế chính của vùng, thực chất là nối từ Tây Nguyên, qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép – Thị Vải; thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển gần lấp đầy đến đường Vành đai 2; do đó, khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng. Riêng tại Bình Dương, do hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh hơn các tỉnh lân cận, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4 và hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng thành phố Hồ Chí Minh cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, là nhanh chóng kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc, theo đường Vành đai 4, vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa, rồi đấu nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, bù lấp đoạn khuyết thiếu lâu nay từ Tân Uyên đến Biên Hòa. Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo các cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào Vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế Đông Nam Bộ, thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo Vành đai 2 và 3. Việc kéo giãn này đồng nghĩa với việc dịch chuyển trọng tâm đô thị tỉnh lên phía Bắc (Thành phố mới Bình Dương), dịch chuyển luồng vận tải công nghiệp lên Vành đai 4 và “5”, dịch chuyển không gian công nghiệp, logistics chính của tỉnh lên phía Đông Bắc (Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên). Từ đó, các luồng vận tải hướng tâm vào thành phố Hồ Chí Minh đa số sẽ dành cho người và thương mại, đó là tiền đề để Thuận An, Dĩ An có được khoảng không để tái thiết, chuyển dịch cơ cấu theo hướng đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, tri thức; góp phần hình thành “tiểu vùng phát triển” theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định.
Thứ ba, kiến nghị Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh cũng như vùng để sớm hoàn thiện các kết nối đa phương thức gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt để hỗ trợ vận tải hàng hóa, hành khách. Đặc biệt ưu tiên các kết nối mới bằng đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương vào trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm thành phố Hồ Chí Minh ra Vùng thành phố Hồ Chí Minh, thông qua đó mở rộng các không phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, hướng tới phát triển Bình Dương trở thành một vệ tinh đi đầu trong đổi mới sáng tạo của Vùng Đông Nam Bộ và Quốc gia.

Thứ tư, UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cần đẩy mạnh phối hợp để đề xuất Trung ương đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng để hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh và có khả năng liên kết quốc tế. Trong đó, tập trung đầu tư bệnh viện tuyến cuối tại huyện Bàu Bàng đồng thời phát triển các bệnh viện vệ tinh tại các đô thị như Thuận An, Dĩ An để giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối ở thành phố Hồ Chí Minh vốn đã quá tải như hiện nay,
Thứ năm, UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm có chính sách đẩy mạnh thu hút các ngành dịch vụ để đáp ứng phát triển bền vững trên lưu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; trong đó, tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm, du lịch sinh thái trên các tuyến sông này nhằm khai thác tối đa lợi thế của Vùng.
Mạnh Hùng