BÌNH DƯƠNG: ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐẾN NĂM 2022
Ngày 03/10/2022, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị Quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngay khi các Nghị quyết được Chính phủ ban hành, được sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan tham mưu Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 58-CTr/TU ngày 17/10/2017 cụ thể hóa Nghị quyết tại địa phương.
Căn cứ trên chương trình hành động này, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành: Kế hoạch số 5845/KH-UBND ngày 22/12/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đến nay, tỉnh đã đạt được một số thành tựu trong quá trính xây dựng và thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP như sau:
- Phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp
Hằng năm, trong nhiệm vụ xây dựng dự toán thu - chi ngân sách trình HĐND tỉnh thông qua, tùy vào khả năng cân đối nguồn thu, nhiệm vụ chi, nguồn kết dư ngân sách hàng năm, UBND tỉnh bố trí bổ sung nguồn vốn cho các Quỹ ngoài ngân sách như: Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ phát triển nhà; Quỹ phát triển đất; Quỹ Đầu tư phát triển để tạo nguồn vốn hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhằm góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và cho các dự án có vai trò động lực đối với phát triển dịch vụ cao phục vụ phát triển công nghiệp, phát triển đô thị.
Tổ chức giao lưu, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham quan khảo sát thực tế tại 03[1] doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Phú Giáo; tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo với sự tham gia từ nhà nước, viện trường, doanh nghiệp.
Về hoạt động thúc đẩy trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp: Tiếp tục triển khai thực hiện hướng dẫn, xúc tiến hỗ trợ nhiều doanh nghiệp (Cao su Dầu Tiếng, Becamex) trong việc giải ngân nguồn quỹ trích lập. Theo đó, các doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả nguồn quỹ để thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, cải tiến chất lượng sản phẩm xây dựng chương trình phát triển bền vững, quản lý doanh nghiệp toàn diện, thực hiện chuyển đổi số và nâng cao năng lực khoa học công nghệ của đội ngũ cán bộ nhân viên.
- Về phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường
Thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về giá; bảo đảm tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu; tiếp tục thực hiện Đề án đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, trong đó chú trọng đề ra các nhiệm vụ giải pháp thực hiện bình đẳng trong tiếp cận các yếu tố đầu vào của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Nhằm hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 25/03/2022 về Chương trình Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040; Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 01/04/2022 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Thực hiện có hiệu quả "Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững" của Liên hợp quốc; triển khai chiến lược tăng trưởng xanh
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội tham gia bình đẳng và thụ hưởng công bằng thành quả từ quá trình phát triển, UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 1847/KH-UBND ngày 04/05/2018 về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020 và Kế hoạch số 1477/KH-UBND ngày 12/04/2018 về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong năm, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật, thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp các nội dung của các hiệp định song phương, đa phương, nhất là các hiệp định sắp ký kết. Thường xuyên theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội nghị, kênh giao thương trực tuyến do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, các cơ quan xúc tiến thương mại ở Trung ương và các cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam tổ chức nhằm kết nối với các tổ chức nước ngoài để tìm kiếm thị trường mới.
Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức hơn 34 chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tập huấn về CPTPP[2] cùng 20 chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tập huấn về EVFTA[3] và UKVFTA[4].
- Nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện thể chế của Nhà nước
Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quán triệt, tổ chức học tập các nội dung Chỉ thị 30 và Pháp lệnh 34 cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; qua đó, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác cải cách thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm chỉ đạo, 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành đúng quy định. Chuẩn bị tốt các nội dung trình các kỳ họp HĐND tỉnh năm 2022 liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng danh mục Nghị quyết quy định biện pháp có tính chất đặc thù của địa phương giai đoạn 2022 - 2025. Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực và hướng dẫn các quy định chi tiết thi hành; tăng cường triển khai chứng thực bản sao điện tử trên toàn tỉnh.
Về bất cập, tồn tại, hạn chế trên một số ngành, lĩnh vực
- Trong năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đang có sự phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nhất định như: ở trong nước, giá xăng dầu tăng cao dẫn đến giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào vẫn còn ở mức cao, áp lực lạm phát gia tăng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trên thế giới, cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, tình hình lạm phát và giá năng lượng tăng cao, người dân các nước Mỹ, EU có xu hướng cắt giảm chi tiêu cũng làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Một số mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh đã và đang có nguy cơ cao phải ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẫn tránh thuế và các tranh chấp thương mại quốc tế từ các thị trường xuất khẩu. Chủng loại hàng hóa bị cảnh báo là có nguy cơ bị kiện ngày càng nhiều như: sắt thép, nông sản, dép giày. Trong khi đó, sự phối hợp kháng kiện giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chưa được đồng bộ, thiếu tính chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp còn lúng túng, chưa am hiểu rõ quy định pháp luật trong nước và quốc tế trong công tác khởi kiện, kháng kiện về phòng vệ thương mại.
- Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nhất cả nước, mức độ đô thị hóa cao, dân số cơ học tăng nhanh, kéo theo áp lực công việc rất lớn trong bộ máy hành chính nhà nước các cấp của tỉnh, trong khi đó số biên chế của tỉnh Bình Dương được Chính phủ giao rất thấp (thứ 52/63 tỉnh, thành phố; thấp nhất so với các tỉnh phát triển công nghiệp trọng điểm phía Nam); biên chế thấp, nhân lực không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ gây nhiều khó khăn và áp lực cho địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai khai thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, chỉ so sánh với tổng số biên chế công chức cấp tỉnh, cấp huyện được Chính phủ giao năm 2015 (năm 2015 là 2.629 biên chế), thì biên chế của tỉnh đến nay đã tinh giản 849 biên chế, tỷ lệ 32,29%.
Một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và thực chất Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
- Tăng cường công tác thể chế hóa các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết, đảm bảo tính cấp thiết và kịp thời, tính phù hợp, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực và hiệu quả. Thường xuyên rà soát, kiểm tra các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp công khai, minh bạch để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tái cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như thông tin và viễn thông, điện - điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
- Tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh; thu hút đầu tư tư nhân của khu vục đầu tư công thông qua đầu tư các hệ thống hạ tầng khung; tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng.
- Tăng cường công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng; cam kết 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và kinh doanh, các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương được công khai tại Trung tâm hành chính công các cấp và trên website của các đơn vị, địa phương.
- Tập trung tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả nội dung cốt lõi của các Nghị quyết như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2018-2025, Quyết định hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thành Nhân
[1] Công ty cổ phần Vinamit, Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương, Công ty CP Nông nghiệp U&I.
[2] Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương;
[3] Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam
[4] Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland